Nắm chắc tình hình, tham mưu hiệu quả

Chính trị - Ngày đăng : 06:39, 27/04/2017

(HNM) - Một trong những nội dung trọng tâm của Kế hoạch số 18-KH/TU của Thành ủy Hà Nội thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị là gắn với nhiệm vụ chính trị, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Các đoàn thể phường Yết Kiêu (quận Hà Đông) vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Ảnh: Bá Hoạt


Xây dựng đội ngũ cộng tác viên đông và mạnh

Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Ba Đình Hoàng Ngọc Sáu cho biết, để tăng cường khả năng nắm bắt tình hình, chủ động tham mưu về công tác tuyên giáo, góp phần giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn, Ban Tuyên giáo Quận ủy đã chủ động ký kết chương trình phối hợp với Công an quận gồm 8 nội dung, trong đó có nội dung nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhờ thực hiện tốt công tác này, trong năm qua, Ban Tuyên giáo Quận ủy đã tham mưu hiệu quả góp phần ngăn chặn từ xa những vụ khiếu kiện phức tạp.

Không chỉ có Quận ủy Ba Đình, thấu hiểu sự cần thiết của công tác nắm bắt tình hình dư luận, thời gian qua, nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng đã chú trọng và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này. Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thường Tín cho biết, coi trọng đặc biệt công tác nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân, Huyện ủy Thường Tín đã chỉ đạo xây dựng đội ngũ cộng tác viên dư luận đông và mạnh, bảo đảm phủ khắp các tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị. Hằng tháng, lãnh đạo Huyện ủy đều đặn giao ban với các cộng tác viên, coi đây là một “kênh” quan trọng phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giúp nắm bắt, giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm trên địa bàn. Từ nắm bắt tình hình, huyện Thường Tín đã chủ động tiếp dân, đối thoại giải quyết nhiều vụ việc bức xúc, nổi cộm không để trở thành vụ việc phức tạp.

Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, cùng với Thường Tín, nhiều đơn vị đã chú trọng kiện toàn mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội như quận Hoàng Mai, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố... Một số nơi như huyện Hoài Đức, Sóc Sơn còn tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội. Các hình thức phản ánh thông tin dư luận xã hội cũng được đổi mới. Tại nhiều cơ quan đơn vị, cộng tác viên dư luận xã hội không chỉ phản ánh tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân tại các kỳ giao ban, mà còn thực hiện cung cấp thông tin qua điện thoại, gửi báo cáo nhanh bằng văn bản, bằng email, gặp gỡ trực tiếp để trao đổi về những vấn đề “nóng” đang được nhân dân quan tâm…

Thấu hiểu tâm tư của cán bộ, đảng viên, nhân dân

Theo Thanh tra TP Hà Nội, từ năm 2012 đến nay, toàn thành phố đã thụ lý gần 11.000 vụ khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền. Trung bình mỗi năm có hơn 2.000 vụ khiếu nại, tố cáo. Thực tế đang đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng chú trọng, đầu tư nhiều hơn cho việc nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân để kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm, không để phát sinh thành “điểm nóng” khiếu kiện đông người, phức tạp. Chánh Thanh tra thành phố Nguyễn Văn Tuấn Dũng cho rằng, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần coi trọng hai yếu tố: Phòng ngừa khiếu nại, tố cáo phát sinh và khi đã phát sinh rồi thì phải giải quyết chính xác, kịp thời, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho công dân… Để phòng ngừa khiếu nại, tố cáo thì việc nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân là khâu đầu tiên giữ vai trò quyết định.

Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Cầu Giấy Phương Kiến Quốc, hiện nay, cách thức thu nhận, trao đổi thông tin, tình cảm, tư tưởng được thực hiện qua nhiều “kênh”, cả truyền thống và phi truyền thống như mạng internet, phát thanh, truyền hình, điện thoại di động... Các thế lực cơ hội, phản động, thù địch tăng cường chống phá trên nhiều mặt, nhất là lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa, báo chí, dư luận xã hội… Thực tiễn này đòi hỏi công tác tuyên giáo phải đổi mới mạnh mẽ để nắm bắt chính xác kịp thời tình hình dư luận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Cầu Giấy nhấn mạnh việc cần thiết đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhất là tuyến cơ sở - những người gần gũi nhất với dân. Đồng thời, để lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của nhân dân trong thời kỳ công nghệ phát triển hiện nay, cán bộ tuyên giáo phải được trang bị phương tiện kỹ thuật đầy đủ, được huấn luyện kỹ năng thu thập, phân tích thông tin trên môi trường mạng.

Về công tác nắm bắt tình hình dư luận xã hội, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu, Ban Tuyên giáo các cấp ủy đảng thành phố tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án số 05-ĐA/TU ngày 28-8-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Đổi mới công tác nghiên cứu, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố”. Đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân là nhiệm vụ sống còn của công tác tuyên giáo. Để làm được điều đó thì trước tiên phải làm tốt công tác nắm bắt tình hình dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm sao phải thấu hiểu tình cảm thật, tâm tư thật của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đó là nhiệm vụ có tính quyết định.

Hiền Lương