“Lò lửa” Đông Bắc Á tăng nhiệt
Thế giới - Ngày đăng : 05:54, 28/04/2017
Mỹ sẽ hoàn thành lắp đặt THAAD tại Hàn Quốc trong thời gian tới. |
Theo thông tin được Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris đưa ra ngày 27-4, THAAD sẽ đi vào hoạt động trong ít ngày tới, đồng thời cho rằng đây là thời điểm bước ngoặt đối với hệ thống phòng thủ của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương khi có thể đánh bại bất cứ vụ tấn công bằng tên lửa nào của Triều Tiên. Còn theo Hãng sản xuất Lockheed Martin, THAAD được chế tạo để bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm xa trong giai đoạn cuối của hành trình bay. Về mặt lý thuyết, phạm vi đánh chặn của THAAD chỉ khoảng 200km, nên sẽ chỉ có thể tập trung vào các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên mà không nhắm mục tiêu tới bất kỳ quốc gia nào khác như Trung Quốc.
Tuy nhiên, giới quân sự Trung Quốc cho rằng, các mối đe dọa đằng sau việc triển khai THAAD lớn hơn nhiều so với năng lực đánh chặn của hệ thống này. Nhờ hệ thống radar có thể quét khu vực có bán kính tới 4.000km, Seoul có thể sử dụng THAAD để theo dõi mọi hoạt động của quân đội Trung Quốc một cách dễ dàng hơn. Nói cách khác, toàn bộ căn cứ quân sự dọc theo bờ biển Trung Quốc đều nằm trong tầm trinh sát của hệ thống radar này.
Ngoài ra, sự tồn tại của THAAD tại Hàn Quốc còn có thể đe dọa Vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc thiết lập thời gian qua. Vì thế, một tướng về hưu của Trung Quốc từng ví von rằng, sự hiện diện của Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc giống “một người đàn ông có tiền án đi lang thang ngoài cửa nhà bạn”. Một lý do nữa khiến Bắc Kinh có cơ sở lo ngại là Seoul sẽ kết nối THAAD với hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis BMD trên một số chiến hạm của Nhật Bản. Đây được xem là bước đệm để củng cố liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn, giống như một Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thu nhỏ ở Đông Á. Bước đi này sẽ khiến cán cân an ninh chiến lược của Đông Á thay đổi theo chiều hướng bất lợi đối với Trung Quốc.
Trong 20 năm qua, Bắc Kinh đã và đang áp dụng rất nhiều chiến thuật để khẳng định vai trò Châu Á và tạo đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực như tập trung phát triển không quân, hải quân, đóng tàu sân bay và rất nhiều tàu chiến, tàu ngầm hiện đại, đồng thời xây dựng nhiều căn cứ hải quân mới. Trên cơ sở chiến lược cường quốc biển, hải quân Trung Quốc được ưu tiên tuyệt đối nhằm đạt được mục tiêu trở thành lực lượng hàng đầu tại Châu Á. Theo các nhà phân tích, trước sự hiện diện của THAAD, trong thời gian tới, Trung Quốc có thể sẽ đưa ra những bước đi mới nhằm bảo vệ những “lợi ích an ninh”. Không loại trừ khả năng, Bắc Kinh sẽ điều chỉnh chính sách hạt nhân và công nghệ vũ khí, khiến cho sức nóng của cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực càng thêm gay gắt.
Ngay trước khi THAAD cập cảng Hàn Quốc, Seoul và Washington đã tiến hành cuộc tập trận chung bắn đạn thật trên biển Hoàng Hải. Động thái nhằm thể hiện mối quan hệ liên minh chặt chẽ giữa hai nước chống lại Bình Nhưỡng và tiếp tục đẩy cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên tăng cao. Đáp lại, Bình Nhưỡng cho biết các vụ thử hạt nhân của nước này sẽ "không bao giờ chấm dứt" cho tới khi Mỹ ngừng "những hành động gây hấn". Do vậy, việc triển khai THAAD khiến căng thẳng gia tăng giữa Mỹ, Hàn Quốc với Trung Quốc vào lúc này sẽ chỉ làm cho tình hình khu vực thêm phức tạp và ngày càng trở nên khó kiểm soát.