Nhiều giải pháp cấp bách
Kinh tế - Ngày đăng : 06:13, 28/04/2017
Đúng dự báo
Tại hội nghị do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức, thông tin từ các chủ hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp chăn nuôi cho biết: Hiện nay, giá lợn hơi xuất chuồng tiếp tục giảm trầm trọng (chỉ còn 10.000 - 12.000 đồng/kg). Xót xa nhất là nhiều đàn lợn con phải thải khỏi chuồng vì nông dân không thể "kham" nổi; lợn giống loại 15kg/con bán với giá 200.000 đồng/con vẫn không có người mua...
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Nguyễn Thành Trung, tình trạng "khủng hoảng thừa" lợn nuôi hiện nay diễn ra đúng dự báo và khuyến cáo của ngành Nông nghiệp khi quy mô tổng đàn lợn toàn thành phố đã tăng từ 1,4 triệu con năm 2014 lên 1,8 triệu con năm 2017 (tăng 28,6%). Với khoảng 1,5 triệu con lợn thịt bán ra từ tháng 10-2016 đến nay, các hộ chăn nuôi ở Hà Nội thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng. Dự kiến, "cơn bão" giảm giá này còn kéo dài...
Giá thịt lợn bán tại chợ cao hơn nhiều so với giá thịt lợn xuất chuồng. Ảnh: Chiến Công |
Còn tại buổi làm việc với Bộ NN &PTNT, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Tính đến tháng 4-2017, tổng đàn lợn tại tỉnh khoảng 1,7 triệu con. Với giá thành hiện tại, người chăn nuôi lỗ khoảng 7.000 - 11.000 đồng/kg. Phân tích các yếu tố khiến giá lợn sụt giảm, ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai cho rằng: Đối với nông hộ nhỏ lẻ không chủ động con giống, thức ăn, giá thành sản xuất cao mà giá bán sản phẩm lại thấp hơn 2.000-3.000 đồng/kg so với các trang trại.
Ngoài ra, các nông hộ nhỏ lẻ vẫn chưa chăn nuôi theo chuỗi (từ sản xuất đến tiêu thụ) mà qua thương lái là chủ yếu. Đây cũng là vấn đề các trang trại đang gặp phải. Các doanh nghiệp chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Đồng Nai có mức lỗ thấp hơn so với nông hộ và trang trại tư nhân do chủ động được chuỗi khép kín. Trớ trêu ở chỗ, lợi nhuận chủ yếu tập trung ở khâu trung gian - với mức 44.000-64.000 đồng/kg. Cụ thể, thương lái mua lợn hơi tại cơ sở chăn nuôi với giá 24.000 đồng/kg, sau khi giết mổ, bán cho các tiểu thương với giá khoảng 36.000 đồng/kg, trong khi bán ở chợ vẫn ở mức khoảng 80.000 đồng/kg (chợ truyền thống) và 100.000 đồng/kg (siêu thị).
Giải cứu người chăn nuôi
Trước thực trạng trên, ngành Nông nghiệp Hà Nội nhận định: Giải pháp cấp bách hiện nay là các trang trại quy mô lớn cần loại ngay lợn nái kém chất lượng, năng suất sinh sản thấp (Hà Nội đang có 30 - 40% tổng đàn lợn nái kém chất lượng) để "cắt lỗ" và tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng số lợn nái chất lượng cao.
Sở NN&PTNT chỉ rõ, để giảm đàn, các trang trại cần phối hợp với các cơ sở chế biến, giết mổ cấp đông lợn sữa để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Hiện, ngành Nông nghiệp đang xúc tiến thương thảo với các DN tiêu thụ và các siêu thị thu mua lợn sữa cho nông dân để chế biến lợn quay thương phẩm. Về phía hộ chăn nuôi, cần sử dụng thức ăn chăn nuôi phối trộn, tận dụng nguồn nội địa nhằm giảm giá thành, bởi trong mọi hoàn cảnh vẫn phải chăm sóc đàn lợn để không phát sinh dịch bệnh.
Mặt khác, Quỹ Bình ổn giá của thành phố cần tập trung hỗ trợ vốn vay cho các trang trại chăn nuôi quy mô lớn và các DN giết mổ - chế biến nhằm sớm ổn định thị trường. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho nông dân, ngoài việc tham mưu với thành phố và Chính phủ, đề nghị các ngân hàng cho giãn nợ, khoanh nợ, tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, cá nhân chăn nuôi lớn. Trong thời gian tới, Quỹ Khuyến nông thành phố tập trung ưu tiên các hộ chăn nuôi vay vốn. Trước mắt, Sở chỉ đạo lực lượng thú y tăng cường kiểm tra, giám sát phòng chống, không để dịch bệnh bùng phát.
Về lâu dài, để tái cơ cấu chăn nuôi, hướng tới xuất khẩu, ông Nguyễn Huy Đăng cho rằng, cần giảm tối đa tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư. Trên cơ sở quy hoạch vùng chăn nuôi trọng điểm của địa phương và thành phố, Sở sẽ phối hợp với chính quyền cơ sở tập trung đưa cơ cấu chăn nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao với quy mô lớn chiếm 70% (hiện đạt 30%). Ngoài ra, ngành chăn nuôi sẽ chú trọng sản xuất giống chất lượng cao, hạn chế sản xuất thịt lợn thương phẩm, đồng thời tập trung xây dựng 9 chuỗi sản xuất khép kín đồng bộ từ sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi... đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ theo chiến lược về cung - cầu, phục vụ trong nước cũng như hướng tới xuất khẩu.
Trong khi đó, Sở NN&PTNT Đồng Nai kiến nghị ngành Công Thương chú trọng quản lý thị trường, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình tiêu thụ trong nước và xuất, nhập khẩu. Xa hơn, cần giảm thiểu nguy cơ rủi ro khi xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch, đồng thời tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám ghi nhận các kiến nghị của tỉnh Đồng Nai và đề nghị tỉnh này làm việc với TP Hồ Chí Minh để tìm thị trường tiêu thụ, cố gắng không để giá lợn tiếp tục giảm. Tỉnh cũng cần hình thành các chuỗi sản xuất - phân phối, chợ tiêu thụ trực tiếp, tăng cường cấp đông, đa dạng hóa mặt hàng chế biến từ thịt lợn. Đối với nông hộ và doanh nghiệp chăn nuôi, phải giảm đàn, loại bỏ lợn thịt và lợn nái chưa bảo đảm chất lượng. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để khoanh nợ, giãn nợ giúp người chăn nuôi vượt qua thời kỳ khó khăn này.
Với những giải pháp cấp bách và lâu dài được triển khai, hy vọng ngành chăn nuôi sớm ổn định.
Ngày 27-4, Bộ NN&PTNT đã có Công văn hỏa tốc số 3511/BNN-CN về giải pháp cấp bách nhằm ổn định phát triển chăn nuôi, gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Để từng bước ổn định và phát triển chăn nuôi nói chung, nhất là đối với chăn nuôi lợn (chiếm tỷ trọng hơn 70% thị phần sản phẩm chăn nuôi cũng như cơ cấu tiêu dùng thực phẩm), Bộ đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai một số giải pháp cấp bách trước mắt cũng như lâu dài. Đáng chú ý là yêu cầu tổ chức lại sản xuất theo chuỗi, đồng thời triển khai các giải pháp tổng thể nhằm phát triển thị trường cho sản phẩm chăn nuôi của địa phương...