“Người Việt Nam ưu tiên dùng thịt lợn do người Việt Nam sản xuất”
Kinh tế - Ngày đăng : 18:21, 28/04/2017
Với phương châm: “Người Việt Nam ưu tiên dùng thịt lợn do người Việt Nam sản xuất”, đại diện Bộ Công an, Tổng Cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng đã đưa ra những cam kết cụ thể về số lượng tiêu thụ lợn cho nông dân. Qua thống kê ban đầu, lực lượng công an, quân đội sẽ hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng chục ngàn tấn lợn mỗi tháng và thu mua liên tiếp trong 3 tháng cao điểm mùa hè cho tới khi tình hình thị trường lợn thịt ổn định trở lại. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã làm việc với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (đơn vị với 220 doanh nghiệp có bếp ăn tập thể phục vụ khoảng hơn 121.000 lao động) cam kết tiêu thụ 60 tấn thịt lợn/ngày cho nông dân.
Ngoài ra, Trung ương Đoàn huy động đoàn viên, thanh niên tham gia chuyển hàng miễn phí hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến trong khâu lưu thông. Các DN chế biến như: Saigon Corp, Hapro, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn... đang tăng cường thu mua để giết mổ, chế biến, cấp đông hàng chục ngàn tấn thịt lợn mỗi ngày. Bộ Công Thương chỉ đạo các siêu thị giảm giá thịt lợn nhằm kích cầu tiêu dùng. Sở Công Thương ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… sử dụng quỹ bình ổn giá để kích cầu các đơn vị tiêu thụ như: siêu thị, DN chế biến giết mổ… tăng cường thu mua, trữ đông sản phẩm thịt lợn.
Đến nay, đã có 5 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn thông báo giảm 200 đồng/kg thức ăn cho lợn các loại, mỗi tháng 5 công ty này hỗ trợ người chăn nuôi gần 100 tỷ đồng. Qua đó, Bộ NN &PTNT hy vọng gây hiệu ứng, lan tỏa đến các công ty khác trong ngành thức ăn chăn nuôi...
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Đến thời điểm này, 45% lượng thịt lợn của các DN, HTX, chủ trang trại lớn đã và đang có kế hoạch được tiêu thụ, tuy nhiên, còn 55% lượng thịt lợn của gần 3 triệu hộ dân đang tồn đọng đang chờ "giải cứu". Hy vọng, qua đợt cam kết này từ các bộ, ngành, đoàn thể... sẽ giúp nông dân giải quyết lượng tồn đọng. Với các biện pháp cấp bách đang tích cực thực hiện, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, giảm tổng đàn, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp… nhằm giúp ngành chăn nuôi dần ổn định trong sản xuất, tiêu thụ và phát triển.