Khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu

Xã hội - Ngày đăng : 06:49, 30/04/2017

(HNM) - Năm 2017, Hà Nội phấn đấu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn khoảng 11,1 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2016. Để đạt mục tiêu này, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn thành phố năm 2017. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải về vấn đề này.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội.


Khó khăn cả trong lẫn ngoài

- Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đạt 10,6 tỷ USD, tăng khoảng 1,3%, không đạt chỉ tiêu kế hoạch của HĐND thành phố giao là mức 7 - 8%. Ông có thể cho biết những yếu tố nào đã tác động trực tiếp đến kết quả trên?

- Trong năm qua, tình hình thế giới diễn biến khó lường, xung đột tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, sức mua của thị trường quốc tế; trong đó có những nền kinh tế lớn đồng thời là thị trường xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội, như Nhật Bản, EU.

Bên cạnh đó, trong 10 tháng đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ tăng chậm và ở mức thấp (chỉ tăng 1 - 2%), trong khi đồng tiền ở những thị trường xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội có sự điều chỉnh mạnh để kích thích xuất khẩu kết hợp hạn chế nhập khẩu, như euro phá giá 18%, yên Nhật phá giá 17%, nhân dân tệ Trung Quốc phá giá 8%... Các nước cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam như Ấn Độ, Bangladesh, các nước ASEAN cũng giảm giá đồng tiền của họ 10 - 20% để khuyến khích xuất khẩu.

Trong khi đó, lãi suất cho vay của ngân hàng tuy giảm xuống mức 8% nhưng vẫn cao gấp 2 - 4 lần so với các nước đang cạnh tranh trực tiếp về xuất khẩu với Việt Nam. Các yếu tố đầu vào, như tiền lương tối thiểu của người lao động tại doanh nghiệp (DN) tăng 12,4%, bảo hiểm xã hội, phí vận tải đường bộ, đường biển cũng tăng... Những diễn biến này làm tăng chi phí, dẫn đến tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

Về phía DN, ngoài khó khăn lớn nhất là thiếu vốn thì đa phần có quy mô nhỏ và vừa, không đủ điều kiện hoàn thành các thủ tục để hưởng ưu đãi của Nhà nước nên phải dựa vào thực lực là chính. Một bộ phận nhân công chưa được đào tạo đầy đủ, ý thức kỷ luật và tác phong lao động công nghiệp chưa cao, thiếu lao động có tay nghề... dẫn đến năng suất thấp so với các nước trong khu vực. Mặt khác, khả năng đáp ứng của DN trước các quy định, tiêu chuẩn ngày càng cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà nhập khẩu trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng còn nhiều hạn chế.

- Được biết, một số mặt hàng của Hà Nội có kim ngạch xuất khẩu lớn những năm qua, như dệt may, linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi, hàng nông sản đều giảm, ảnh hưởng đến tổng kim ngạch xuất khẩu chung. Ông có thể phân tích rõ hơn nguyên nhân và những khó khăn của nhóm các mặt hàng này đang gặp phải?

- Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội đạt 10,6 tỷ USD, tăng 1,3% so với năm 2015. Đây là mức tăng thấp so với chỉ tiêu kế hoạch. Đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 là nhóm hàng máy móc thiết bị, phụ tùng (tăng 14,5%); phương tiện vận tải và phụ tùng (tăng 24,4%). Nhưng, nhiều nhóm hàng có giá trị xuất khẩu giảm, như nông sản giảm 9,2% do thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta là Trung Quốc đã siết chặt quy định kiểm dịch thực vật.

Các mặt hàng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu riêng để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế, chất lượng chưa đồng đều, trong khi tiêu chuẩn tại các thị trường như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… ngày càng nghiêm ngặt. Riêng các DN xuất khẩu gạo bị sức ép phải giữ giá gạo ở mức cao để bù đắp chi phí chống xâm nhập mặn nên sức cạnh tranh trên thị trường thế giới giảm.

Mặt hàng dệt may giảm do giá thành sản phẩm của Việt Nam cũng đang cao hơn 20 - 30% so với các đối thủ cạnh tranh, dẫn đến giảm đơn hàng. Hơn nữa, hàng dệt may và giày dép xuất khẩu chưa đáp ứng tốt các tiêu chuẩn tiêu dùng, tiêu chuẩn môi trường của nước nhập khẩu cũng là bất lợi không nhỏ.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

- Nhiều hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực, nhiều thị trường truyền thống và thị trường mới “mở cửa” cho hàng hóa Việt Nam, môi trường đầu tư kinh doanh trong nước ngày càng cải thiện… Đây có thể coi là những yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu để Hà Nội đạt kim ngạch 11,1 tỷ USD trong năm 2017, thưa ông?

- Năm 2017, ngoài việc Hoa Kỳ từ chối tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP - gồm các nước ASEAN và Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand) hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho DN Việt Nam. Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi cùng các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh đã tạo điều kiện cho DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu. Cùng với đó, thành phố còn hỗ trợ lãi suất tiền vay sau đầu tư cho các DN, giảm thuế thu nhập DN phổ thông...

Tuy nhiên, dự báo xuất khẩu năm 2017 vẫn có những khó khăn nhất định. Ngoài tác động từ tình hình thế giới, sự cạnh tranh quyết liệt nói trên, việc gia nhập các hiệp định thương mại buộc phải xóa bỏ độc quyền, cắt giảm thuế suất, mở cửa thị trường trong nước.

Khi hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chúng ta phải chấp nhận chỉ làm một khâu trong một sản phẩm. Nhưng vấn đề ở chỗ, chúng ta sẽ tham gia từ khâu nào để thu được lợi ích tối đa và mang về giá trị nhiều nhất. Trong thương mại quốc tế, đem lại giá trị lớn thường nằm ở khâu phân phối, thương hiệu, phát triển sản phẩm, là những khâu cuối. Còn sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến... cũng đem lại giá trị nhưng thường thấp hơn, mức gia tăng giá trị không nhiều.

- Để đạt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 4,5% so với năm 2016, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 89 gồm 10 giải pháp quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Xin ông cho biết nội dung cơ bản của kế hoạch trên?


- Nhằm hỗ trợ các đơn vị đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng thời cơ, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND, gồm 10 giải pháp quan trọng, nhằm giúp DN vượt qua khó khăn, duy trì và mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; trong đó, chú trọng cải cách hành chính lĩnh vực hải quan, thuế, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN, góp phần giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Thành phố yêu cầu dành vốn cho vay phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DN xuất khẩu; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Các sở, ngành phối hợp hoàn thành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình “Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội” giai đoạn 2018-2020 làm cơ sở đổi mới và nâng cao hiệu quả các chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại của thành phố.

Hoàn thành Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ, Kế hoạch phát triển thương mại điện tử, Đề án quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Tổ chức các khóa đào tạo nguồn nhân lực cho DN; tư vấn sản xuất, xuất - nhập khẩu về nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề và các mặt hàng nông sản chủ lực, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, các rào cản trong thương mại quốc tế, chính sách mới. Thông tin thị trường kịp thời, chú trọng diễn biến mới liên quan đến TPP và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Kết nối cung - cầu lao động để tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của DN sản xuất hàng xuất khẩu; tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ kinh doanh, xuất khẩu; đẩy nhanh các dự án xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp, trung tâm logistics hạng 1 và hạng 2. Duy trì thường xuyên việc tiếp xúc DN để thu thập thông tin, nắm bắt tình hình, trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tăng cường giám sát hàng nhập khẩu theo tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh các mặt hàng có điều kiện và các đơn vị nhập khẩu, phân phối nhằm kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu.

- Xúc tiến thương mại là một nhiệm vụ quan trọng, Hà Nội sẽ hỗ trợ DN như thế nào, thưa ông?

- Hà Nội sẽ chú trọng xúc tiến thương mại tại nước ngoài, tham gia các hội chợ quốc tế có quy mô, chất lượng tại các thị trường xuất khẩu quan trọng, thị trường tiềm năng, thị trường Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, khai thác các thị trường mới, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm làng nghề, hàng nông sản, dệt may, công nghiệp hỗ trợ, đón các đoàn nhập khẩu nước ngoài vào giao dịch thương mại tại Hà Nội.

Kết hợp công tác xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, tập trung vào việc áp dụng những công nghệ mới, hiện đại, khả thi, hiệu quả, phù hợp với thực tế của thành phố. Công tác tổ chức thực hiện chương trình xúc tiến thương mại được thực hiện theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả” và “một việc, một đầu mối xuyên suốt”.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Thanh Hiền - Hồng Sơn thực hiện