Người thầy họa sĩ lưu giữ hồn quê Việt
Văn hóa - Ngày đăng : 07:03, 30/04/2017
Tác phẩm “Trên cánh đồng Giao” của họa sĩ Tạ Thúc Bình. |
Bước vào nghệ thuật
Sau ba năm tốt nghiệp Thành chung, chàng thanh niên Tạ Thúc Bình thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông học khóa 15 (1941-1945), cùng lớp với các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Gấm… Khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông tham gia hoạt động cách mạng giành chính quyền ở Bắc Giang.
Cuối năm 1946, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các văn nghệ sĩ lên đường tham gia kháng chiến. Trong thời gian này, họa sĩ Tạ Thúc Bình cùng vợ và các con tản cư về ấp Sậu, Cầu Đen, huyện Yên Thế. Không hẹn mà thành, gia đình các nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Kim Lân; gia đình họa sĩ Trần Văn Cẩn, gia đình nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nghệ sĩ Trần Hoạt… cũng theo đường Bắc Ninh lên đây.
Là người con của đất Kinh Bắc, những nét đẹp của tranh Làng Hồ đã thấm sâu trong ông. Họa sĩ Tạ Thúc Bình lặn lội về làng tranh nổi tiếng này mời bằng được nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần tham gia kháng chiến. Cùng với họa sĩ Trần Văn Cẩn và nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần, ông thành lập xưởng tranh, sáng tác các thể loại tranh tuyên truyền, tập hợp các nghệ nhân hoàn thành những bản khắc gỗ và in tranh trên chất liệu giấy điệp, giấy dó. Họ vừa vẽ, vừa khắc, vừa in. Hàng trăm bức tranh có nội dung diệt giặc đói, giặc dốt, giặc xâm lăng từ Bắc Giang được chuyển về các tỉnh và xuống tận các làng, xã. Như có người nhận xét, "đó là cuộc gặp gỡ đầu tiên, bất ngờ và lý thú giữa nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật Âu Châu tân cổ điển, giữa những họa sĩ mới và những nghệ nhân cổ truyền".
Triển lãm hội họa năm 1951 - cuộc triển lãm mỹ thuật lớn nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, có hơn 300 tác phẩm của nhiều tác giả được giới thiệu, thể hiện sự phong phú về thể loại và chất liệu: Từ tranh cổ động đến tranh sơn dầu, tam bình, tứ bình; từ chất liệu lụa đến bột màu, chì than, mực nho, thuốc nước... Ban giám khảo cuộc thi năm ấy có họa sĩ Trần Văn Cẩn - Trưởng ban, các ủy viên là họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Đình Thọ cùng đại diện của các đoàn thể. Họ thống nhất tặng giải nhất (giải của Quốc hội) cho hai tác phẩm: Bộ tranh tứ bình “Đóng thuế nông nghiệp” và “Chống giặc dồn làng” của họa sĩ Tạ Thúc Bình. Giải thưởng lớn này là sự công nhận của xã hội và đồng nghiệp đối với quá trình sáng tạo nghệ thuật phục vụ kháng chiến của ông.
Người thầy giữ hồn quê Việt
Đồng khóa với những họa sĩ đang sôi nổi tìm kiếm nét mới ở nền nghệ thuật Châu Âu lúc đó thì họa sĩ Tạ Thúc Bình lại hướng về phương Đông. Ông quan niệm rằng: “Với tôi, cái đẹp phải gắn với không gian mà người nghệ sĩ đã đến, đã sống, đặc biệt là ở quê hương. Do đó, những tranh tôi vẽ thành công thường về con người và cuộc sống quê hương Bắc Giang”. Ví dụ, với những bức như “Góp thóc vào kho”, “Mừng hội làng”, “Mùa lúa chín”…
Ở bức tranh “Mừng hội làng” - sau được đổi thành “Liên hoan mừng thắng lợi cải cách ruộng đất”, họa sĩ Tạ Thúc Bình đã khẳng định một hướng đi riêng - chân phương, khúc chiết. Ông miêu tả cả khu đình làng với cột trụ, mái cong, cây trái xum xuê cùng cảnh hội làng như đấu vật, chọi gà, múa sạp, múa sư tử, hát chèo... Trong tranh có hơn 500 nhân vật mà tài tình ở chỗ mỗi nhân vật mang một dáng vẻ.
Tác phẩm được trưng bày ở Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc chào mừng một năm Ngày tiếp quản Thủ đô (10-10-1955), tại Nhà hát Lớn - Hà Nội. Hiện nay, tác phẩm được lưu trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, họa sĩ Tạ Thúc Bình là một trong những người đầu tiên cùng với họa sĩ Trần Văn Cẩn, Trần Đình Thọ, Phạm Gia Giang, Nguyễn Đức Nùng, Lương Xuân Nhị… tham gia thành lập lại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Một lần nữa, ông lại về Đông Hồ mời nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần tham gia giảng dạy ở Khoa Đồ họa, bộ môn Khắc gỗ. Chương trình Mỹ thuật dân gian được ông soạn để giảng dạy trong nhà trường, nay vẫn còn được sử dụng.
Họa sĩ Tạ Thúc Bình là người thầy dạy vẽ giàu kinh nghiệm sư phạm. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thầy giáo Tạ Thúc Bình thường xuyên đưa học sinh vào những vùng chiến sự ác liệt từ Thanh Hóa đến Quảng Bình để ghi lại những khoảnh khắc hào hùng của dân tộc. Mỗi năm một vài tháng, thầy Bình lại đưa học sinh đi thực tập ở nông thôn, vùng núi xa xôi hay bản làng của người dân tộc để dạy các em vẽ tranh phong cảnh, phản ánh đời sống của nhân dân.
Giữa năm 1965, Nhà Nghệ thuật quần chúng Thủ đô ra đời, có các lớp học ca múa nhạc và hội họa. Cùng với các giáo viên khác, họa sĩ Tạ Thúc Bình đã góp phần đào tạo một “thế hệ vàng” của hội họa Hà Nội như Cơ Chu Pin, Nguyễn Chính, Dương Việt Nam...
Một mảng quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ Tạ Thúc Bình đã hình thành khi ông cộng tác với Nhà Xuất bản Kim Đồng từ những ngày đầu thành lập - tháng 6-1957. Ông là một trong ba người thiết kế bìa mẫu cho loạt sách đầu tiên của nhà xuất bản này. Những cuốn sách sau đó của Nhà Xuất bản Kim Đồng, từ những tác phẩm lịch sử, truyện thiếu nhi của tác giả Nguyễn Huy Tưởng, Hà Ân, Tô Hoài, Thy Thy Tống Ngọc, Phạm Hổ… đến những cuốn truyện dân gian như “Tấm Cám”, “Bánh chưng bánh giầy”, “Con cóc là cậu ông Trời”, “Thạch Sanh”, “Thánh Gióng”, “Sự tích Trầu Cau”… đều do ông vẽ bìa.
Cuốn sách “Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật” (Nhà Xuất bản Mỹ thuật - 2008) đưa ra nhận định: “Họa sĩ Tạ Thúc Bình có nhiều tác phẩm với các chất liệu bột màu, lụa, thuốc nước về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong hai cuộc kháng chiến. Phong cách nghệ thuật hiện thực, cảm xúc chân thành. Ông còn là một trong những họa sĩ vẽ nhiều tranh truyện có chất lượng cao phục vụ thiếu nhi, được công chúng và các em yêu thích”.
Ông ra đi đã ngót 20 năm nhưng trong tâm tưởng nhiều thế hệ đồng nghiệp, học trò, công chúng nghệ thuật vẫn còn mãi hình ảnh một người thầy tận tụy, một họa sĩ của tuổi thơ và của đồng quê…