Chủ động lo nguồn nước sạch cho dân
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:50, 03/05/2017
Kết quả này càng có ý nghĩa hơn với người dân sinh sống ở những nơi mà nguồn nước ngầm, nước mặt bị ô nhiễm nặng.
Dù vậy, trên thực tế, tỷ lệ dân số khu vực nông thôn Hà Nội được dùng nước sạch vẫn thấp, mới đạt 39%. Đáng nói ở chỗ là trong khi người dân mong mỏi nước sạch từng ngày thì ở nhiều nơi công trình đầu tư xong… “đắp chiếu” hoặc tiến độ triển khai dự án vẫn ở… trên giấy. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng tựu trung vẫn xoay quanh 2 vấn đề muôn thuở là thiếu vốn và thủ tục hành chính rườm rà. Điển hình như để được phê duyệt đầu tư dự án cấp nước sạch nông thôn, quy định hiện nay là doanh nghiệp phải có chữ ký chấp thuận của UBND huyện và 6 sở nên chỉ cần một đơn vị chậm trễ sẽ khiến các khâu khác bị đình trệ.
Nước sạch là nhu cầu cơ bản, thiết yếu với đời sống của con người, có tác động cực kỳ quan trọng đến sự phát triển của cộng đồng. Vì thế, công trình nước sạch nông thôn là hạ tầng quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội. Ở Hà Nội, vấn đề này càng cấp thiết hơn khi một vùng nông thôn rộng lớn đã, đang bị tác động không nhỏ bởi ô nhiễm môi trường, mực nước ngầm suy giảm mạnh, chất lượng nước không đạt quy chuẩn… Lo ngại nhất có thể kể đến lưu vực gần sông Nhuệ, sông Đáy; các khu, cụm điểm công nghiệp, làng nghề và nhiều vùng dân cư các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai, Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm...
Trong bối cảnh như vậy, việc hoàn thành mục tiêu toàn dân được hưởng niềm vui dùng nước sạch là yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết. Trong Kế hoạch số 188/KH-UBND, ngày 6-10-2016 thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, UBND thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch tiêu chuẩn đô thị đạt 100%.
Cụ thể hóa mục tiêu này, thành phố đã có nhiều chỉ đạo sát sao, cụ thể. Trong kết luận về cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện các dự án cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố diễn ra đầu tháng 3-2017, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo tháo gỡ nhiều vướng mắc về vốn và thủ tục hành chính. Một thông tin đáng mừng với người dân là Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu: “Các nhà đầu tư phải sử dụng công nghệ lọc nước tiên tiến, sử dụng ống nước có thời hạn 30-50 năm, bảo đảm nước uống được tại vòi”.
Mục tiêu và quan điểm chỉ đạo của thành phố đã rõ ràng, cụ thể. Vấn đề hiện nay là việc tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành và doanh nghiệp, rất cần sự chủ động, linh hoạt. Trong đó, các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch, không để đầu tư tự phát. Không chỉ chú trọng xây dựng mới, mà phải quản lý, bảo dưỡng tốt các công trình cấp nước; cần chú ý lựa chọn mô hình quản lý, vận hành phù hợp. Đây là yếu tố quyết định sự hoạt động bền vững của công trình.
Vì một cộng đồng khỏe mạnh, hãy chung tay, cộng đồng trách nhiệm để mọi người dân sớm cùng được sử dụng nước sạch.