Sự đầu tư tích cực và nhân văn
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:15, 04/05/2017
Cùng với sự nâng cấp này thì tháng hành động cũng lược bỏ nội dung "phòng chống cháy, nổ", tập trung hơn vào lĩnh vực an toàn lao động với phương châm an toàn, vệ sinh lao động phải là những hành động cụ thể tại nơi làm việc, của những cơ quan, tổ chức có trách nhiệm.
Theo báo cáo mới nhất được Cục An toàn vệ sinh lao động công bố cuối tháng 4 vừa qua, con số gần 8.000 vụ tai nạn lao động với hơn 860 người thiệt mạng trong năm 2016 thật đáng để suy nghĩ.
Tai nạn, bản thân nó là một rủi ro, sự cố ngoài ý chí chủ quan. Con người chúng ta khó có thể tránh khỏi lúc bị phân tâm, sai lầm và tai nạn có thể xảy ra chỉ trong một tích tắc, do sai nguyên tắc trong thực hiện công việc… Hậu quả để lại có thể sẽ cực kỳ nặng nề. Người lao động sẽ mất tất cả, thậm chí cả sinh mạng. Còn cơ quan, doanh nghiệp không chỉ thiệt hại về nguồn lực lao động mà cả về tài sản, uy tín.
Dĩ nhiên, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể ngăn ngừa và giảm thiểu được tính chất, mức độ thiệt hại của tai nạn. Thực tế cho thấy, nhiều tai nạn có thể đã không xảy ra nếu người lao động và người sử dụng lao động chấp hành đúng quy trình an toàn (thống kê năm 2016 nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động chết người có hơn 42% là do người sử dụng lao động, hơn 17% do người lao động).
Tiếc là, lâu nay những sai lầm chết người vẫn tồn tại ngay từ trong cách nghĩ của không ít người lao động. Họ suy nghĩ đơn giản từ việc đội cái mũ, hay đi đôi ủng bảo hộ, ngụy biện là vướng víu, khó làm việc, rằng tai nạn chỉ là rủi ro với ai đó. Trong khi người sử dụng lao động thì cố ý lờ đi để giảm chi phí. Vô hình trung, người lao động đã tự tước đi những lá chắn bảo hộ an toàn cho chính mình, còn doanh nghiệp tự đặt mình vào tình thế rủi ro cao hơn...
Có thể thấy, việc tổ chức tháng hành động để tuyên truyền về an toàn lao động là một sự thay đổi đột phá cả về nhận thức và hành động, bắt đầu từ các cơ quan quản lý. Nó được kỳ vọng sẽ lan tỏa đến từng con người có tham gia vào hoạt động lao động. Hiện nay, chúng ta đã có Luật An toàn lao động, vệ sinh lao động quy định cụ thể về trách nhiệm của từng cá nhân có liên quan đến các quan hệ, hoạt động lao động. Song, thực tế đâu đó vấn đề an toàn, vệ sinh vẫn còn mang tính hình thức, ở bất cứ công trường nào cũng dễ dàng bắt gặp những tấm băng rôn "An toàn là trên hết", nhưng chắc hẳn không phải người công nhân nào cũng hiểu hoặc quan tâm đến ý nghĩa của nó.
Một sự quyết liệt để thay đổi từ suy nghĩ đến hành động của mỗi người, nhằm hình thành thói quen, tạo nên văn hóa về an toàn, vệ sinh lao động, văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động là điều cần thiết. Phải làm cho mọi người trong xã hội đều hướng đến một nhận thức chung rằng an toàn là tài sản, tiêu chí để hình thành nên chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp xây dựng thương hiệu không chỉ dựa vào sự đầu tư thiết bị, công nghệ mà còn cả sự đầu tư về bảo vệ con người. Một môi trường lao động tốt sẽ cho ra sản phẩm chất lượng cao. Và khi người lao động được làm việc trong môi trường an toàn thì bản thân họ sẽ ngày càng tích lũy thêm những giá trị trí tuệ và sức lực để cống hiến nhiều hơn cho doanh nghiệp.
Bởi, đầu tư cho con người mới chính là sự đầu tư tích cực và nhân văn nhất!