Viễn cảnh về cuộc gặp 'kịch tính nhất thế kỷ' Trump - Kim Jong-un
Hồ sơ - Ngày đăng : 10:57, 04/05/2017
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP |
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30-4 bất ngờ dùng những lời lẽ hòa giải khi nói về lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. "Rõ ràng, ông ấy là một người khá thông minh", Trump nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CBS. Thậm chí, tại buổi trò chuyện với Bloomberg News, Trump còn nhấn mạnh: "Nếu điều kiện cho phép tôi gặp ông ta, dĩ nhiên, tôi rất vinh hạnh được làm việc đó".
Trong lịch sử ngoại giao thế giới, một cuộc gặp ít có khả năng thành hiện thực như vậy từng diễn ra vài lần. Ví dụ như sự kiện tổng thống Mỹ John Frank Kennedy gặp tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Sergeyevich Khrushchev ở Vienna, Áo, hồi năm 1961 hay sự kiện tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Bắc Kinh gặp chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông năm 1972.
Ý tưởng về cuộc gặp giữa Trump và Kim, hai nhà lãnh đạo được dư luận thế giới quan tâm nhất hiện nay, là một viễn cảnh khó tin và chắc chắn sẽ đặt ra một thách thức về hậu cần nếu hai nước thực sự thu xếp nó thành công. Cây bút Ted Anthony từ AP phác họa vài nét sơ bộ về cuộc gặp.
Địa điểm diễn ra cuộc gặp có thể là một căn phòng bên trong khu phi quân sự (DMZ) ở khu vực biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc với lợi thế nằm ở điều kiện an ninh sẵn có ở đây. Hoặc một địa điểm nào đó ở Trung Quốc cũng có thể được lựa chọn cho cuộc gặp giữa Trump và Kim Jong-un dù khả năng xảy ra không cao.
Ngoài ra, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có thể diễn ra ở một số nơi khác trên thế giới, ví dụ Thụy Sĩ, quốc gia nổi tiếng về chính sách trung lập, nơi ông Kim được cho là đã dành phần lớn quãng thời gian thanh niên học tập tại đây.
Cuộc gặp thậm chí có thể được tổ chức ở Nhà Trắng song nếu thực sự như vậy, nó sẽ gây tranh cãi vì chỉ việc cấp cho Kim Jong-un thị thực cũng đã là một đề xuất gây chú ý.
Hoặc có thể cuộc gặp sẽ diễn ra ở một nơi không ai ngờ tới và ít được biết đến. Năm 1989, tổng thống Mỹ George H.W. Bush (Bush cha) và tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev đã gặp nhau trên một con tàu ngoài khơi đảo quốc Nam Âu Malta để thảo luận những thay đổi đang diễn ra ở Liên Xô và Đông Âu.
Sự kiện trên khiến đảo quốc nhỏ bé này được chú ý trong nhiều năm sau đó. Malta cũng là địa điểm tổ chức các cuộc gặp quan trọng giúp dẫn đến hội nghị Yalta ở Crimea, nơi tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, thủ tướng Anh Winston Churchill và tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Joseph Stalin gặp nhau vào đầu năm 1945 với mục tiêu sắp xếp lại trật tự châu Âu thời hậu Thế chiến II.
Mỹ cũng từng là địa điểm diễn ra những cuộc gặp nhạy cảm kiểu như vậy. Dưới thời tổng thống Mỹ Jimmy Carter, Trại David, căn cứ hỗ trợ hải quân được dùng làm khu nghỉ dưỡng miền quê dành cho các ông chủ Nhà Trắng ở bang Maryland, từng là nơi tổ chức các cuộc hòa đàm giữa cựu thủ tướng Israel Menachem Begin và cựu tổng thống Ai Cập Anwar Sadat.
Lịch sử chứng kiến nhiều cuộc gặp tương tự tại Mỹ. Năm 1905, tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt đã làm trung gian hòa giải giữa hai nước kình địch Nhật và Nga ở một nơi không ai nghĩ đến: thị trấn New England. Năm 1995, thành phố Dayton, bang Ohio, bất ngờ trở thành địa điểm tổ chức các cuộc hòa đàm và ký kết thỏa thuận hòa bình chấm dứt cuộc chiến Bosnia.
Tuy nhiên, những địa điểm trên là nơi giải quyết xung đột giữa các quốc gia khác chứ không phải của bản thân nước Mỹ.
Thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên, cũng không nằm ngoài khả năng trở thành địa điểm gặp mặt giữa ông Trump và ông Kim. Bình Nhưỡng từng là nơi diễn ra một số cuộc gặp giữa lãnh đạo Triều Tiên với những vị khách bên ngoài, bao gồm cuộc gặp giữa ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright và lãnh đạo Triều Tiên lúc bấy giờ, ông Kim Jong-il, hồi năm 2000, cuộc gặp giữa thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi và ông Kim Jong-il năm 2002 hay loạt cuộc gặp giữa ngôi sao bóng rổ người Mỹ Dennis Rodman cùng ông Kim Jong-un vào các năm 2013, 2014.
Mặt khác, các lãnh đạo Triều Tiên thường không thích ra nước ngoài vì điều này khiến họ xa rời lãnh địa quyền lực của mình và phải đối mặt những tình huống mà họ khó có thể kiểm soát tuyệt đối.
Chủ đề thảo luận
Giải giáp vũ khí hạt nhân Triều Tiên nhiều khả năng sẽ là chủ đề ưu tiên số một trên bàn đàm phán Trump - Kim. Song đối với hai lãnh đạo khó đoán như Donald Trump và Kim Jong-un, không ai có thể dám chắc về những vấn đề sẽ được thảo luận, Anthony nhận định. Chúng có thể bao gồm các khoản viện trợ cho Bình Nhưỡng, nỗ lực cải thiện quan hệ Hàn - Triều hay các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Với phong cách ông Trump thể hiện cho đến nay, có lẽ điều hai nhà lãnh đạo cần làm là xây dựng một mối quan hệ trước khi bất kỳ cuộc đàm phán nào được tiến hành, Anthony nhấn mạnh.
Phản ứng từ các bên
Phản ứng khó đoán sẽ đến từ Hàn Quốc, Nga và cả Trung Quốc, nước bảo trợ Triều Tiên trong nhiều thập kỷ nhưng gần đây đang tỏ ra lo âu và phật lòng vì người hàng xóm khó kiểm soát.
Đối với Hàn Quốc, một cuộc gặp như vậy sẽ mang tính sống còn. Hầu hết ý kiến đều nhất trí rằng kho vũ khí Triều Tiên có đủ sự chính xác và sức mạnh hỏa lực để tàn phá Hàn Quốc. Vậy nên, một cuộc gặp giữa Mỹ, đồng minh với Hàn Quốc, và Triều Tiên chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ tới Hàn Quốc ngay cả khi không vấn đề quan trọng nào được đưa ra thảo luận.
Trung Quốc rất lo ngại việc Mỹ can thiệp vào vùng ảnh hưởng của nước này và đang bất đồng với Mỹ về các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Nhiều năm gần đây, Bắc Kinh đang ra sức lôi kéo Hàn Quốc. Chuyến thăm Seoul của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2014 là một động thái gửi thông điệp cảnh báo đến Triều Tiên.
Trong bối cảnh ấy, theo suy luận thông thường, bất cứ cuộc gặp nào giữa Trump và Kim Jong-un cũng phải cần đến tác động cũng như sức ép từ phía Trung Quốc lên Triều Tiên. Nhà Trắng cũng luôn cho điều đó là cần thiết.
Cuối cùng, Nga và Tổng thống Vladimir Putin sẽ quan sát từ xa với tâm lý cảnh giác cao độ. Một cuộc gặp như vậy đủ sức nặng để làm thay đổi mối quan hệ giữa Moscow với Bắc Kinh và Washington thậm chí là cả Bình Nhưỡng.
Phản ứng của truyền thông cũng là yếu tố không thể không kể đến. Cuộc gặp Trump - Kim chắc chắn sẽ là một đề tài "nóng", thu hút hàng trăm, hàng nghìn hãng thông tấn, báo chí đưa tin, qua đó đặt ra thách thức lớn về hạ tầng cơ sở phục vụ sự kiện.
Sự kiện kịch tính nhất thế kỷ XXI
Bất luận hệ lụy chính trị như thế nào, chắc chắn rằng bất kỳ cuộc gặp nào giữa Donald Trump và Kim Jong-un ở bất cứ nơi đâu trên thế giới sẽ là một trong những sự kiện kịch tính nhất thế kỷ XXI, Anthony đánh giá.
Cuộc gặp một lúc chứa đựng ba nhân tố toàn cầu quan trọng: Mỹ dưới thời Donald Trump và ý định của chính quyền Trump, gia tộc họ Kim với cách thức điều hành đất nước kỳ lạ, khó đoán cũng như cách họ chứng tỏ bản thân với thế giới và an ninh - quốc phòng Đông Á, một trong những khu vực có ý nghĩa chiến lược bậc nhất thế giới.
Cây bút Ted Anthony kết luận đây sẽ là cuộc gặp có một không hai, pha chút kỳ lạ nhưng hoàn toàn bất ngờ, phản ánh thế giới của hai người đàn ông khác thường, có thể thay đổi cả bàn cờ toàn cầu: Kim Jong-un và Donald Trump.