Vở “Cung phi Điểm Bích” mở màn chuỗi các chương trình nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát Lớn

Văn hóa - Ngày đăng : 14:36, 04/05/2017

(HNMO) - Vào 20h tối nay (4-5), vở cải lương “Cung phi Điểm Bích” sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội, mở màn cho chuỗi các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu chất lượng cao tại “thánh đường nghệ thuật” trong năm 2017.

Cảnh trong vở "Cung phi Điểm Bích".


Vở “Cung phi Điểm Bích” của cố nhà văn Hoàng Công Khanh, chuyển thể cải lương là NSƯT Ngọc Chi, do đạo diễn - NSƯT Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng với sự tham gia của của các nghệ sĩ Nhà hát Cải Lương Việt Nam.

“Cung phi Điểm Bích” là một câu chuyện lịch sử có thật, được dân gian thêm thắt nhiều chi tiết nên mang màu sắc huyền thoại. Tác phẩm kể về một cung phi có tên Điểm Bích tài sắc vẹn toàn, được vua Trần Anh Tông giao nhiệm vụ tìm hiểu xem sư tổ Huyền Quang có ý định mưu phản không. Nàng phải dùng kế mỹ nhân để thử thách lòng người quân tử. Tình tiết cao trào trong vở diễn là trường đoạn Điểm Bích quyến rũ sư tổ Huyền Quang. Nhiệm vụ thất bại, Điểm Bích từ giã cung son và trở về cuộc sống thường dân. Câu chuyện được tác giả Hoàng Công Khanh viết lại dưới hình thức kịch thơ.

Theo kế hoạch biểu diễn tại Nhà hát Lớn trong tháng 5, sẽ có 6 nhà hát nghệ thuật truyền thống tham gia biểu diễn. Đó là Nhà hát Cải lương Việt Nam diễn vở “Cung phi Điểm Bích” vào tối 4-5 và vở “Hừng đông” vào tối 5-5; Nhà hát Múa rối Việt Nam diễn vở “Aladanh và cây đèn thần” vào tối 6-5 và “Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh” vào tối 6-5; Nhà hát Chèo Hà Nội diễn “Nàng thứ phi họ Đặng” vào tối 8-5 và “Vương nữ Mê Linh” vào tối 9-5; Nhà hát Tuồng Việt Nam diễn vào tối 13-5 với vở “Nữ tướng Đào Tam Xuân” và “Chuyện bịa của Làng Vồm” vào tối 14-5; Nhà hát Ca kịch Huế diễn vào tối 20-5 vở “Vụ án Lệ Chi Viên” và vở “Dòng sông đỏ” vào tối 21-5; Nhà hát Chèo Việt Nam diễn tác phẩm “Súy Vân” vào tối 22-5 và “Dây tràng hạt diệu kỳ” vào tối 28-5.

Vào tháng 8, tại Nhà hát Lớn sẽ diễn ra chương trình biểu diễn các vở kịch chất lượng cao với tên gọi “Những vở kịch còn mãi với thời gian”.

Hoàng Lân