Cố gắng cân bằng cung- cầu thịt lợn trong 2-3 tháng tới
Đời sống - Ngày đăng : 22:05, 04/05/2017
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, những ngày qua giá thịt lợn hơi đã tăng lên và có mức tăng bình quân so với thời điểm thấp nhất khoảng trên 5.000 đ/kg thịt lợn hơi.
Ở các siêu thị so với cách đây 10 ngày , giá bán thịt lợn cũng đã giảm. Rất nhiều doanh nghiệp cung ứng cho các siêu thị lớn như Big C, Saigon Co.op… đã giảm giá bán 10-20%.
Những cố gắng trong thời gian qua đã góp phần làm giá thịt lợn hơi về cơ bản tương đương giá thành sản xuất. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định sẽ cố gắng giải quyết để cân bằng lại cung-cầu thịt lợn trong khoảng 2-3 tháng nữa.
Về giải pháp mở thị trường, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, những năm trước, thị trường Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu theo tiểu ngạch rất lớn với thịt lợn của Việt Nam. Năm nay, trong 4 tháng đầu năm, lượng này chỉ còn khoảng dưới 10% so với năm 2016.
Hiện nay việc tạm nhập tái xuất qua Việt Nam để sang các nước khác, trong đó có Trung Quốc, thịt gia súc, gia cầm bằng khoảng 52-55% sản lượng sản xuất.
Chính phủ đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tạm nhập tái xuất theo quy định để không có việc luân chuyển tạm nhập tái xuất thẩm thấu vào thị trường nội địa một cách không hợp pháp.
Toàn cảnh phiên họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trước lo ngại do nhập khẩu thịt lợn và các mặt hàng liên quan làm ảnh hưởng đến tiêu thụ các sản phẩm này trong nước, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cung cấp thông tin, năm 2016, Việt Nam nhập 39.400 tấn thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn từ các nước EU, Australia, Hoa Kỳ, Canada, Liên bang Nga… Như vậy, về kim ngạch chỉ đạt 44 triệu USD, bằng 0,1% sản lượng tiêu thụ thịt lợn trong nước.
Do đó, có thể khẳng định việc nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn không ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước.
Liên quan đến tạm nhập tái xuất, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang lưu ý và có nhiều biện pháp phòng tránh thẩm lậu các mặt hàng tạm nhậptái xuất vào thị trường nội địa.
Các mặt hàng tạm nhập tái xuất chủ yếu là nội tạng lợn. Do đó sau khi được Chính phủ chấp thuận, Bộ Công Thương đã có các biện pháp để có thể sẵn sàng trong trước mắt tạm dừng tạm nhập tái xuất các sản phẩm thịt lợn và liên quan đến thịt lợn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cùng ở nội dung này, đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khẩn trương khắc phục những khó khăn, bất cập trong chăn nuôi lợn hiện nay khi để người chăn nuôi thiệt hại quá lớn.
"Tinh thần là không được để xảy ra những trường hợp tương tự. Các bộ chức năng cần đẩy mạnh đàm phán tìm thị trường cho chăn nuôi, đặc biệt là các sản phẩm từ lợn, cả khu vực biên mậu và chính ngạch. Ngành ngân hàng cần rà soát, có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ. Có biện pháp hỗ trợ các cơ sở chế biến tăng cường thu mua, chế biến sản phẩm và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu" - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu.
Về lâu dài, cần triển khai các giải pháp hạ giá thành sản xuất, tăng cường chế biến sâu; điều chỉnh quy mô và cơ cấu chăn nuôi phù hợp với thị trường, tổ chức theo chuỗi giá trị.
Các bộ cần rà soát, đánh giá, làm rõ những điểm còn bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, nhất là về quy hoạch, kế hoạch, hệ thống thông tin giá cả, thị trường… không để tình trạng người nông dân bị động chạy theo thị trường dẫn đến thua thiệt lớn như trong nuôi lợn hiện nay.