Làm thế nào để có thịt "sạch"?
Xã hội - Ngày đăng : 06:41, 05/05/2017
Để thúc đẩy thị trường tiêu thụ thịt "sạch", bảo đảm quyền lợi cho người chăn nuôi và người tiêu dùng, cơ quan quản lý đang tăng cường các giải pháp giám sát chất lượng trong quy trình sản xuất, đồng thời nâng cao kỹ năng nhận biết sản phẩm thịt "sạch" trong cộng đồng.
Người tiêu dùng nên lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc. |
Thế nào là "thịt sạch"?
Lâu nay, nhiều người tiêu dùng vẫn cho rằng, các loại thực phẩm từ động vật được chăn thả tự do trong môi trường tự nhiên là “sạch”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT cho biết: Hình thức chăn nuôi thả rông mang nặng tính tự cung tự cấp, rất khó phát triển sản xuất quy mô hàng hóa lớn phục vụ nhu cầu thị trường, không bảo đảm đáp ứng điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chất lượng thịt không phụ thuộc vào hình thức chăn nuôi thả rông mà phụ thuộc vào thức ăn, nước uống bảo đảm chất lượng...
Còn chị Nguyễn Thu Trang, cửa hàng nông sản sạch Nông Trang ở phố Lê Hồng Phong (quận Hà Đông) cho biết: Thịt "sạch" khi luộc, nước luộc sẽ trong, ít vẩn đục, thịt mềm; còn khi rang, miếng thịt nở ra, không chảy nước, có mùi thơm đặc trưng.
Về vấn đề này, Trưởng phòng Chất lượng nông sản - Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Nguyễn Văn Thuận (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Hiện đang có 2 loại chứng nhận thịt "sạch" phổ biến là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và theo tiêu chuẩn hữu cơ. Người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm có đủ thông tin về nguồn gốc, được cơ quan chức năng chứng nhận an toàn. Nếu phát hiện cá nhân, đơn vị sản xuất kinh doanh thịt không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cần thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý...
Chọn thực phẩm sạch ở đâu?
Để bảo đảm chất lượng thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, ông Nguyễn Đại Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn) cho biết: Ngoài chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, Công ty còn đầu tư dây chuyền giết mổ công nghệ cao: Sơ chế, mổ treo, bảo quản 0-5oC trong vòng 6-12 tiếng, sau đó đóng gói, hút chân không và cấp đông sâu trước khi cung cấp ra thị trường…
Ngoài ra, hệ thống siêu thị, các doanh nghiệp tham gia cung ứng sản phẩm thịt sạch cũng đang xây dựng chiến lược kinh doanh để tạo niềm tin với khách hàng. Giám đốc Trung tâm Chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin: Hiện trên địa bàn Hà Nội đã hình thành 21 chuỗi liên kết chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ thịt an toàn, trong đó có 9 chuỗi thịt lợn, 8 chuỗi gia cầm, 1 chuỗi thịt bò, còn lại là chuỗi tổng hợp… hằng ngày cung cấp cho thị trường 25,4 tấn thịt lợn; 0,35 tấn thịt bò; 13,3 tấn thịt gia cầm; 296 nghìn trứng gia cầm…
Về nguồn nguyên liệu, ông Tường cho biết: Hà Nội đã có nhiều mô hình chăn nuôi quy mô lớn công nghệ cao theo quy trình khép kín đạt chuẩn, như: Mô hình VietGAP của HTX Hoàng Long (Thanh Oai); mô hình chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn hữu cơ của Công ty CP trang trại Bảo Châu (Sóc Sơn); mô hình chăn nuôi lợn theo phương pháp sinh học của Công ty Lebio, Vinh Anh, Xuka; mô hình chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây... Nhằm tăng cường thông tin, kiến thức cho người tiêu dùng, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Thủ đô tổ chức nhiều chương trình tập huấn, tham quan các chuỗi sản xuất, cung ứng thịt “sạch” trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng thực phẩm trong cộng đồng.
Định hướng chiến lược phát triển ngành chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Với mục tiêu quan trọng là hướng người tiêu dùng sử dụng thực phẩm “sạch”, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tích cực triển khai chăn nuôi theo chuỗi khép kín trên cơ sở liên kết nhóm hộ thành HTX, doanh nghiệp cổ phần nhằm kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, tiêu thụ. Trước mắt, Bộ NN&PTNT tích cực triển khai chương trình hỗ trợ về: Phòng chống dịch, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá thịt “sạch”... tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, sau đó, sẽ nhân rộng tới các tỉnh, thành trong cả nước.