Nghệ thuật tuồng qua bàn tay đạo diễn nước ngoài
Văn hóa - Ngày đăng : 06:53, 05/05/2017
Một cảnh trong vở diễn “Dưới bóng đa huyền thoại” của Nhà hát Tuồng Việt Nam. |
Đạo diễn Chua Soo Pong có thể coi là "người quen" của sân khấu Việt Nam. Ông là tác giả và đạo diễn vở "Đám cưới con gái chuột", tác giả vở "Con gà trống" của Nhà hát Kịch Việt Nam và nhiều lần sang nước ta tham dự liên hoan sân khấu quốc tế. Nhưng đây là lần đầu tiên ông thử sức với nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, đặc biệt lại là bộ môn tuồng vốn khó đối với ngay cả nghệ sĩ trong nước. Đạo diễn Chua Soo Pong cho biết: "Tôi thấy nghệ thuật tuồng của các bạn từ vũ đạo, âm nhạc đến cách diễn đều hấp dẫn và dễ hội nhập". Ông muốn bước vào môn nghệ thuật này, đề xướng ý tưởng dàn dựng một tác phẩm để mang tuồng giới thiệu rộng rãi với khán giả quốc tế.
Kịch bản vở tuồng "Dưới bóng đa huyền thoại" do tác giả Lê Thế Song viết dựa trên tác phẩm văn học "Ngôi đền ma ám" của chính đạo diễn Chua Soo Pong. "Ngôi đền ma ám" là một câu chuyện mang màu sắc kinh dị, đã được dàn dựng với nhiều hình thức sân khấu tại Malaysia, Trung Quốc, Bỉ, Mỹ… Tuy nhiên, tác giả Lê Thế Song đã biến hóa thành câu chuyện mang tính dân gian huyền thoại, đậm triết lý thiện - ác. Đó là chuyện về một cây đa thần nghìn tuổi có linh dược chữa bách bệnh, do Thần Đa và đám linh mộc là Cành Cây, Chùm Lá, Tầm Gửi canh giữ. Trong cơn lũ dữ, Tà Mộc bị nạn, được nàng Hương xin linh dược của cây đa thần cứu sống. Lấy oán trả ơn, Tà Mộc giết Thần Đa để chiếm đa thần. Nàng Hương cũng bị hắn trói buộc, bắt làm vợ… Nội dung tác phẩm trở đi trở lại với cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, những dằn vặt của từng nhân vật nên theo ai để sống tốt hơn. Cuối cùng, tình yêu thương, sự lương thiện và lòng bao dung đã cảm hóa và đẩy lùi gian tà.
Thử sức ở một loại hình nghệ thuật truyền thống mang tính đặc thù cao như tuồng, đạo diễn Chua Soo Pong vẫn rất lão luyện. Kinh nghiệm dàn dựng thành công nhiều tác phẩm sân khấu truyền thống của các quốc gia khác khiến ông nhìn nhận sắc sảo và "khoe" được những nét đẹp và đặc trưng của nghệ thuật tuồng trong vở diễn. Đề tài về cuộc chiến đấu thiện - ác rạch ròi giữa phe bảo vệ đa thần và Tà Mộc cũng là một lợi thế để đạo diễn làm nổi bật những "mẫu" hóa trang trong tuồng dành cho vai trung, vai gian tà, vai lão… Cùng với đó, những lời ca, lối hát theo từng nhân vật và tình huống được áp dụng triệt để.
Vở diễn hợp tác quốc tế với mục đích đưa nghệ thuật tuồng đi xa hơn nên Nhà hát Tuồng Việt Nam đã mời ê kíp cộng tác uy tín và dạn dày kinh nghiệm tham gia. Đó là họa sĩ NSND Lê Huy Quang, biên đạo múa NSƯT Lê Khánh Toàn, nhạc sĩ NSƯT Lê Trần Vinh, dịch giả Phạm Xuân Hồng và dàn diễn viên của Đoàn biểu diễn 1.
Trong buổi diễn báo cáo vào cuối tuần qua, có nhiều khán giả trẻ, đa phần lần đầu thưởng thức nghệ thuật tuồng. Họ tán thưởng không ngớt với những trò, lối múa, đi đứng cách điệu "bê, xiên, lỉa, lăn" của tuồng, đặc biệt là qua sự thể hiện của các nghệ sĩ gạo cội NSND Ánh Dương, NSND Hồng Khiêm, NSƯT Minh Tâm.
Nhưng với khán giả lâu năm của môn nghệ thuật này, có lẽ "Dưới bóng đa huyền thoại" chỉ gửi gắm được một câu chuyện mới, còn cách thể hiện có phần thiên về hình thức, thiếu chiều sâu nội tâm như thế vẫn chưa khiến họ thỏa mãn.