U Minh khởi sắc

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:20, 05/05/2017

(HNM) - Cà Mau giờ đã


Đổi thay một vùng đất nghèo

Trong tác phẩm "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi, vùng đất Cà Mau vốn là "thánh địa" của lau sậy, cây tràm ngập nước với muôn vàn sản vật từ U Minh Hạ. Anh Đoàn Hữu Thư, quê Nam Định, cán bộ Nhà máy Đạm Cà Mau, người đã gắn bó gần 40 năm với mảnh đất này tâm sự: "U Minh trước rộng lắm, đặc sản của Cà Mau là tôm, cua và... muỗi. Muỗi thì to khủng khiếp. Những ngày mới đến đây, ngồi ăn cũng phải mắc màn. Vùng này khi ấy còn nghèo. Đặc sản từ sông nước nhiều nhưng hiềm nỗi giao thông hạn chế nên không thể buôn bán, giao thương. Còn đất đai ở bìa rừng tràm thì quanh năm bị nước phèn nhuộm đỏ au. Cây lúa cho năng suất thấp, đời sống của người dân khó khăn. Bởi thế mà người miền Tây từng ví "nghèo như Cà Mau"".

Cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau đã đem đến sức bật không chỉ cho Cà Mau mà cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.


Trước năm 2006, hạ tầng giao thông vừa thiếu vừa yếu. Ðiện sinh hoạt rất hạn chế. Toàn tỉnh chỉ có 14% hộ dân được sử dụng điện. Trong cơ cấu kinh tế của Cà Mau, sản xuất nông nghiệp chiếm 70 - 80%. Ngay cả thế mạnh về nuôi trồng thủy sản thì với 250 nghìn héc ta nuôi tôm cũng đa phần là quảng canh theo lối tự nhiên nên năng suất rất thấp, chỉ đạt xấp xỉ 1/3 năng suất nuôi trồng theo phương pháp hiện đại. Du lịch Cà Mau có thế mạnh, tiềm năng về biển đảo, cộng với hai rừng sinh quyển nhưng hạ tầng quá nghèo nàn nên không phát huy được. "Nhưng giờ khác rồi" - Anh Thư tiếp chuyện - "Đất rừng U Minh đã được thu hẹp lại để đầu tư phát triển. Cụm công nghiệp khí - điện - đạm ra đời đã thay đổi hoàn toàn bức tranh kinh tế của tỉnh. Và điều tôi thán phục nhất đó là ý chí từ người thợ trẻ đến quyết tâm của Ban lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã biến một vùng sình lầy với những vuông tôm thành mảnh đất mang lại nhiều giá trị kinh tế, hơn nữa lại được thi công trong một thời gian thần tốc".

Dấu ấn sức trẻ

Thăm và làm việc với các công ty trong cụm công nghiệp này, điều khiến không chỉ mình tôi mà nhiều thành viên trong đoàn ngỡ ngàng ấy là "sức trẻ". Nếu như ở Công ty Điện lực dầu khí Cà Mau có khoảng 260 cán bộ công nhân viên, độ tuổi lao động bình quân là 36 thì ở Công ty Khí Cà Mau có 254 nhân sự, độ tuổi bình quân chỉ 28 và ở Nhà máy Đạm Cà Mau cũng tương tự. Nhưng họ đã, đang vận hành tổ hợp của cụm dự án trọng điểm quốc gia với những dây chuyền, thiết bị máy móc hiện đại trên thế giới.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Giám đốc Công ty Điện lực dầu khí Cà Mau Ngô Văn Chiến xúc động khi kể về quá trình xây dựng và phát triển của đơn vị. Ông Chiến cho biết, Cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau đặt tại xã Khánh An, huyện U Minh, có diện tích hơn 230ha, bao gồm các dự án đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau, Nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2, Nhà máy Đạm Cà Mau... "Ở cụm dự án này có nhiều cái nhất. Đó là thi công trong thời gian nhanh nhất, nằm xa nhất, điều kiện thi công khó khăn nhất, phát huy nội lực lớn nhất và do lực lượng kỹ sư, công nhân trẻ nhất đảm nhận" - ông Chiến khẳng định - "Khu vực đặt hai nhà máy điện được xây dựng trên diện tích rộng 35ha, là khu đầm lầy ngập mặn, xen lẫn những vuông tôm. Việc xây dựng một nhà máy quy mô lớn trên nền đất yếu cực kỳ phức tạp. Những mũi khoan thăm dò sâu tới 25m vẫn thấy bùn, cọc bê tông dài 75m đóng xuống mất hút... nên những ngày đầu xây dựng nhà máy, việc nghiên cứu công nghệ và xử lý nền móng tốn rất nhiều thời gian, công sức".

Khi còn ở tuổi 24 (năm 2004), Phó Giám đốc Công ty Khí Cà Mau Nguyễn Văn Bé Ba đã dành sức trẻ của mình cho vùng đất Mũi. Phó Giám đốc Ba tâm sự: "Ngày ấy chúng tôi tiếp nhận vận hành công trình. Công trường trải dài 27km từ trạm tiếp bờ thuộc khu vực Mũi Tràm, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời đến Cụm công nghiệp khí - điện - đạm đặt tại xã Khánh An, huyện U Minh. Hằng ngày phải ngồi ô tô 90 phút, sau đó ngồi vỏ lãi (một loại thuyền nhỏ) để ra đến trạm tiếp bờ, đội ngũ thi công phải ăn ngủ trong những lán trại tạm giữa rừng U Minh Hạ. Đúng như biệt danh "muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh", ngay cả buổi trưa ăn cơm, chúng tôi không dám ngồi ăn trong bóng râm vì không chịu nổi muỗi cắn". Anh Ba cho biết thêm, vất vả là thế nhưng ai cũng quyết tâm, chia nhau đi làm việc, giám sát, không biết đến thứ bảy, chủ nhật. Không khí làm việc khẩn trương với khẩu hiệu “Vinh quang những người về đích sớm”...

Để rồi, vào ngày 26-10-2012, Cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau khánh thành mang lại hân hoan cho người dân nơi đây. Không ai ngờ rằng, tại bìa rừng U Minh sình lầy, chỉ có tràm, đước, sẽ lại có dòng điện, càng không thể tin rằng, dòng điện đóng góp đáng kể cho lưới điện quốc gia và một nhà máy đạm ngang bằng với Đạm Phú Mỹ. Cụm công nghiệp đã đem đến sức bật mạnh mẽ không chỉ cho Cà Mau mà cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hơn 5 năm vận hành, cụm công nghiệp này đã mang lại nhiều giá trị to lớn. Theo Giám đốc Công ty Điện lực dầu khí Cà Mau Ngô Văn Chiến, trong số 8 nhà máy điện mà Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power) quản lý thì 2 nhà máy đã có đóng góp đáng kể, chiếm tới hơn 50% tổng sản lượng của công ty mẹ (PV Power cung cấp cho hệ thống điện quốc gia trên 136 tỷ kWh sau gần 10 năm hoạt động). Trong khi đó, Nhà máy Đạm Cà Mau đã cung cấp đủ nhu cầu cho người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ; góp phần làm giảm áp lực nhập khẩu đạm phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, doanh thu lũy kế của Cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau này là 28.000 tỷ đồng, chiếm 50% ngân sách cho tỉnh, đồng thời giải quyết việc làm cho 36% số lao động là người dân địa phương...

Có thể thấy, cụm công nghiệp đã tạo một sức bật mạnh cho mảnh đất cực Nam của Tổ quốc. Nếu như năm 2005, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chỉ chiếm 24%, nông - ngư - lâm nghiệp 53%, dịch vụ là 23% trong tổng sản phẩm của tỉnh, thì đến nay, giá trị công nghiệp trong tổng sản phẩm của tỉnh Cà Mau đã tăng lên 39%. Cụm công nghiệp đã giúp thay đổi rõ nét bộ mặt của tỉnh từ thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo... Ba nhà máy trong cụm công nghiệp có đóng góp lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là động lực lớn để tỉnh Cà Mau bứt phá trong những năm tiếp theo.

Thanh Hải