Xây dựng mô hình quản lý nhà văn hóa thôn
Đời sống - Ngày đăng : 07:32, 07/05/2017
Nhà văn hóa thôn Dậu 1, xã Di Trạch, huyện Hoài Đức được đầu tư khang trang, hiện đại. |
Nhà văn hóa (NVH) thôn Việt Long (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) có quy mô 1.200m2, bao gồm một hội trường gần 200m2, một nhà đa năng rộng 160m2 và các công trình phụ trợ khác với đầy đủ hệ thống chiếu sáng... Đây được đánh giá là điểm sinh hoạt cộng đồng kiểu mẫu của huyện Ba Vì. Ông Nguyễn Quang Trung, một người dân trong thôn cho hay, từ khi đưa vào sử dụng (tháng 12-2016) đến nay, ngoài là nơi sinh hoạt cộng đồng dân cư, NVH còn là địa điểm diễn ra hoạt động cưới hỏi với cách tổ chức văn minh, tiết kiệm theo tinh thần Chỉ thị 11-CT/TU ngày 3-10-2012 của Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.
Tương tự, tại thôn Thị Nguyên (xã Cao Dương, huyện Thanh Oai), NVH cũng trở thành nơi hội họp hiệu quả của nhân dân. Theo Trưởng thôn Nguyễn Văn Thanh, từ khi có NVH mới người dân rất phấn khởi vì có nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí. Ngày thường, thôn cho hội phụ nữ mượn làm nơi tập thể dục thể thao với yêu cầu duy trì, giữ gìn vệ sinh cho NVH.
Một kinh nghiệm hay trong sử dụng NVH hiệu quả phải kể tới huyện Đan Phượng. Huyện đã xây dựng và triển khai đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NVH thôn, cụm dân cư, tổ dân phố giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, huyện yêu cầu các xã hoàn thiện trang thiết bị cho NVH, tăng cường hoạt động văn hóa, thể thao trong đời sống dân cư. Tùy vào quy mô của NVH, huyện Đan Phượng cho thành lập Ban Chủ nhiệm là những người có uy tín ở địa phương và hỗ trợ từ 4 đến 5 triệu đồng/năm để hoạt động.
Tuy nhiên trên thực tế, rất ít địa phương phát huy được hiệu quả NVH thôn như kể trên. Thậm chí một số nơi NVH chỉ là cái “vỏ”, phần “ruột” nghèo nàn, hoạt động "phập phù" quanh năm. Nhiều cán bộ cấp cơ sở cho rằng, để NVH phát huy hiệu quả thì điều kiện tiên quyết là chọn vị trí phù hợp, có đầy đủ trang thiết bị như bàn ghế, loa đài, âm thanh, điện chiếu sáng, quạt, nhà vệ sinh, khuôn viên, cây xanh, chỗ đỗ xe… Ngoài ra, các thôn cần thành lập đội tự quản với nòng cốt là đại diện các đoàn thể như: Người cao tuổi, thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh… để cộng đồng trách nhiệm trong quản lý, sử dụng và duy trì môi trường sạch đẹp cho NVH.
Theo Trưởng thôn Lưu Xá (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) Đặng Văn Hùng: Hiện nay, ngành chức năng chưa có mô hình quản lý NVH chuẩn để các địa phương áp dụng thống nhất. Việc quản lý NVH vẫn mang tính tự phát, mỗi nơi một kiểu. Để NVH luôn sạch đẹp, các thôn nên quy định lịch huy động các đoàn thể, người dân tham gia tổng vệ sinh môi trường và dọn dẹp như một nếp sinh hoạt chung. Bên cạnh đó, cần xây dựng quỹ để phục vụ việc duy tu, bảo dưỡng, vệ sinh NVH với hình thức xã hội hóa, có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương...
Ông Nguyễn Khả Mùi, Phó phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chương Mỹ đánh giá, NVH là nơi lý tưởng nhất tổ chức cưới theo hình thức văn minh, tiết kiệm. Nếu như khu vực nội thành, NVH khi sử dụng vào việc cưới dễ gây biến tướng và vi phạm quy định về sử dụng NVH, thì ngược lại ở ngoại thành, nhất là các xã miền núi, vùng xa thì NVH rất phù hợp cho việc này. Ở nông thôn chưa từng xảy ra việc cho thuê NVH để tổ chức cưới bởi gia đình nào cũng có mặt bằng sân, vườn khá rộng, thoáng, phù hợp cho tập quán tổ chức tại nhà. "Việc tổ chức đám cưới ở NVH thôn có lợi thế dễ kiểm soát, tránh được nhiều hủ tục như: Cưới chui, ép duyên, lãng phí trong ăn uống..." - ông Mùi nhìn nhận.
Hoạt động chung của cộng đồng tại NVH có ý nghĩa lớn đối với người dân ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, đối với vùng khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần chưa đầy đủ, sự ra đời và hoạt động của NVH có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa. Chính vì vậy, rất cần một quy chuẩn mang tính pháp lý để các NVH được sử dụng đúng mục đích, đồng nhất, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng nông thôn mới.