Mối họa khôn lường từ các loại ma túy mới

Xã hội - Ngày đăng : 07:14, 08/05/2017

(HNM) - Ngày càng có nhiều dạng ma túy mới xuất hiện ở nước ta với tên gọi như


Chất độc trong vỏ bọc quyến rũ


Nếu như trước đây, tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), tháng nào các bác sĩ cũng phải tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc do sử dụng chất gây nghiện thế hệ cũ như heroin, thì thời gian gần đây, số ca ngộ độc này giảm hẳn, chỉ còn vài trường hợp mỗi năm. Tuy nhiên, thay vào đó, tình trạng ngộ độc do sử dụng những loại ma túy mới (ma túy tổng hợp) đang tăng nhanh chóng. Đa số bệnh nhân nhập viện là người trẻ tuổi. Dù không gây nghiện mạnh như “cái chết trắng” heroin hay thuốc phiện nhưng ma túy thế hệ mới vẫn là mối nguy hiểm với người sử dụng.

Cán bộ Công an TP Hà Nội tuyên truyền tới học sinh Trường THCS Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) về tác hại của các loại ma túy mới.


Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nhiều loại ma túy thế hệ mới được bào chế thành những viên kẹo "bắt mắt" hay được trộn vào bánh quy, đồ uống khiến giới trẻ dễ bị lừa. Trung tâm Chống độc từng tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc ma túy do ăn bánh có trộn cần sa. Hơn nữa, với một số loại thuốc điều trị có thành phần ức chế thần kinh, việc sử dụng chúng ở liều cao cũng tạo cảm giác "phê", ảo giác. Điều đáng nói là hiện nay, ngày càng có nhiều bạn trẻ lên mạng, tiếp cận với thông tin y tế sai lệch, chấp nhận tác dụng phụ, tăng liều dùng những loại thuốc nói trên để có được cảm giác "phê".

"Điển hình là trường hợp một học sinh 14 tuổi (ở Hà Nội) đã lạm dụng thuốc chữa ho, thuốc chống dị ứng kháng histamin có tác dụng phụ là ức chế thần kinh trung ương để tăng ảo giác. Thời gian đầu, học sinh này chỉ dùng ở mức độ hạn chế, sau đó tăng liều lên tới vài chục viên. Bệnh nhân được đưa đến Trung tâm Chống độc trong tình trạng bị hoang tưởng, ngộ độc do sử dụng thuốc quá liều trong thời gian dài", bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nêu ví dụ.

Có một đặc điểm chung của các ca ngộ độc ma túy thế hệ mới, đó là khi vào viện, họ đều bị ngộ độc nặng với những biểu hiện vượt quá giới hạn chịu đựng như: Co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, không kiểm soát được hành vi. Đa số các trường hợp này đều có thái độ không hợp tác với nhân viên y tế khi điều trị. Thậm chí, có bệnh nhân còn mang theo dao để gây gổ, dọa truy sát cán bộ y tế.

Theo các chuyên gia y tế, nếu như các loại ma túy thế hệ cũ đều có phác đồ điều trị thì với những loại mới ra đời, việc tìm ra phác đồ điều trị đối với người bị ngộ độc là rất khó khăn. Mặt khác, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ luôn phải cảnh giác với các tình huống biến chứng bất ngờ, bởi kết quả khảo sát việc điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc ma túy thế hệ mới cho thấy, ở các trường hợp ngộ độc này rất dễ xảy ra diễn biến có thể gây nguy hiểm tới tính mạng và sức khỏe, như: Tính khí thay đổi, hung hãn, ảo giác, loạn thần kiểu tâm thần phân liệt, tăng thân nhiệt, co giật, xuất huyết nội sọ…

Tăng cường định hướng, giáo dục, quản lý

Đề cập đến các loại ma túy mới, bác sĩ Đinh Hữu Uân (Bệnh viện Tâm thần trung ương I) cho rằng, hiện nay, ma túy dạng giấy thấm LSD thuộc nhóm chất gây ảo giác mạnh nhất. Chỉ cần dùng một lượng nhỏ là đã đủ gây ảo giác, hoang tưởng nên LSD thường được tẩm vào các mẩu giấy thấm nhỏ, trông giống như những con tem. Người dùng chỉ cần đặt "tem" trên lưỡi để ngậm, vì vậy, LSD còn được gọi là "Tem giấy" hay "Bùa lưỡi". Điều đặc biệt là người sử dụng ma túy dạng giấy thấm có biểu hiện dung nạp thuốc và nhờn thuốc rất mạnh, vì thế, người chơi phải liên tục nâng cao lượng thuốc sử dụng để có cùng hiệu quả đã đạt được trước đó. Việc dùng LSD quá liều có thể gây ngưng thở, hôn mê, nôn ói dữ dội, rối loạn hệ thần kinh tự chủ…

Cũng như LSD, "bóng cười" cũng là một dạng ma túy mới đặc biệt nguy hiểm. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, "bóng cười" rất nguy hiểm bởi nếu thường xuyên sử dụng sẽ gây tổn thương thần kinh não, ảnh hưởng tới việc chuyển hóa vitamin B12 cần thiết cho sự sản sinh các hồng cầu trong tủy xương, các vỏ bọc dây thần kinh và các protein… Ngoài ra, các bác sĩ cũng lo ngại về tình trạng ngộ độc ma túy "lá khát" có chứa cathinone - chất kích thích giống ma túy tổng hợp amphetamine nhưng có tác dụng nhanh hơn với mức độ độc hại cao hơn 500 lần so với các loại ma túy thông thường.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, có nhiều nguyên nhân dẫn giới trẻ đến với ma túy, trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là trẻ thiếu sự quan tâm của gia đình. Nhiều bệnh nhân được sinh ra trong gia đình khá giả, cha mẹ mải làm ăn nên không thường xuyên gần gũi, chăm sóc con mình... Bệnh viện chỉ là nơi điều trị triệu chứng, muốn cách ly trẻ với nguồn chất gây nghiện thì cần phải có sự vào cuộc của gia đình, cộng đồng và chính bản thân người nghiện.

Vì vậy, bên cạnh giải pháp tuyên truyền, cảnh báo về hậu quả của việc sử dụng ma túy thế hệ mới, các cơ quan chức năng và nhà trường, gia đình cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục, quản lý để ngăn ngừa tình trạng giới trẻ tiếp cận với loại chất vô cùng độc hại này.

Thu Trang