Hướng đi mới trong phát triển đô thị
Kinh tế - Ngày đăng : 06:47, 08/05/2017
Phố mới trên nền cũ
Sau một thời gian quy hoạch sắp xếp, phố vàng bạc đá trang sức tại các tuyến đường Nhiêu Tâm, Nghĩa Thục, Bùi Hữu Nghĩa (quận 5, TP Hồ Chí Minh) chính thức ra mắt vào cuối tháng 4-2017. Nơi đây vốn là tuyến phố kinh doanh trang sức sầm uất nhất vùng đất Sài Gòn xưa, được hình thành từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.
Hiện khu phố có 55 doanh nghiệp, hộ kinh doanh các ngành nghề: Bán buôn vàng bạc đá trang sức, chế tác, gia công nữ trang, kinh doanh thiết bị ngành kim hoàn với tổng quy mô vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Không chỉ kinh doanh, tuyến phố còn là nơi lưu giữ nét văn hóa làng nghề truyền thống - nghề thợ bạc, gia công chế tác nữ trang được kế thừa từ sự phát triển nghề kim hoàn của vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn xưa.
Phố hàng rong - chợ phiên cuối tuần tại quận 1 (TP Hồ Chí Minh) tấp nập khách tham quan, mua sắm. |
Anh Huỳnh Mẫn Đạt - chủ tiệm vàng Bạch Kim thuộc phố vàng bạc đá trang sức quận 5 cho biết: “UBND TP Hồ Chí Minh cho lập khu phố rất hợp với lòng dân. Từ đây, việc quảng bá kinh doanh, du lịch đều phát triển, tạo luồng sinh khí mới giúp các hộ kinh doanh làm giàu, phục vụ tốt cho người dân, đóng góp nhiều hơn cho xã hội”.
Trước đó, UBND quận 5 đã xây dựng thành công mô hình phố Đông y trên đường Lương Nhữ Học. Tuyến phố có 19 cơ sở với 14 cửa hàng, cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc đông dược, thực phẩm chức năng, 2 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 3 công ty sản xuất kinh doanh dược liệu. Mô hình phố Đông y sẽ lan rộng ra các tuyến còn lại ở đường Triệu Quang Phục (22 hộ), đường Hải Thượng Lãn Ông (57 hộ).
Tại khu vực quận 1, nơi tốc độ đô thị hóa nhanh bậc nhất thành phố đã được UBND thành phố đồng ý cho thiết lập khu phố mới dành cho các hộ kinh doanh hàng rong. Chính vì thế, phố hàng rong - chợ phiên cuối tuần đã được ra đời từ giữa tháng 4-2017 tại Công viên bến Bạch Đằng. Khu phố này chỉ mở cửa từ 9h đến 22h trong hai ngày cuối tuần. Với quy mô trên 3.200m2 phố hàng rong - chợ phiên cuối tuần được chia làm 4 khu lớn, gồm: Khu biểu diễn của nghệ sĩ đường phố, vẽ tranh, viết thư pháp; khu giới thiệu các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao; khu ẩm thực và khu vui chơi giải trí với các trò chơi thiếu nhi, dân gian. Các hộ kinh doanh muốn vào buôn bán phải trả phí gian hàng khu ẩm thực 2 triệu đồng/ngày, các khu khác là 1,8 triệu đồng/ngày. Mặc dù chi phí thuê mặt bằng cao nhưng nơi này luôn đông khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, mua sắm.
Học theo quận 1, quận 2, quận 8, quận 10 cũng đang nghiên cứu khảo sát, lập một số dự án xây dựng phố kinh doanh ẩm thực, kinh doanh hàng rong chuyên biệt.
Công tác quản lý hiệu quả hơn
Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: “Khi bố trí các phố kinh doanh sẽ giúp công tác tổ chức, quản lý dễ dàng, đồng thời chất lượng các sản phẩm được đưa ra kinh doanh sẽ có đơn vị chức năng kiểm tra, giám sát thường xuyên”.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, chính quyền nơi các tuyến phố được thành lập sẽ chịu trách nhiệm quản lý, giám sát chính các hoạt động kinh doanh, an ninh trật tự đô thị, bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy. Riêng về giám sát định kỳ, tùy thuộc vào các loại hình tuyến phố địa phương sẽ phối hợp cùng cơ quan chức năng để quản lý. Ví như, trước khi thành lập phố vàng bạc đá trang sức, các hộ kinh doanh tại đây được phổ biến Thông tư 22 của Bộ Khoa học - Công nghệ ban hành năm 2014 để chỉnh đốn hoạt động kinh doanh ngành vàng, trang sức.
Sau khi thành lập, Sở Khoa học - Công nghệ TP Hồ Chí Minh sẽ định kỳ kiểm tra chất lượng, tem nhãn mác, trọng lượng vàng, các loại hột xoàn, cân đúng, cân đủ theo quy định. Tương tự, các hộ kinh doanh tại phố Đông y quận 5 đều phải niêm yết giá dược liệu công khai. Về nguồn gốc, xuất xứ các dược liệu sẽ được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tổ chức kiểm tra định kỳ.
Trước nhiều ý kiến lo ngại khi tổ chức các con phố chuyên doanh sẽ tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, chèo kéo du khách... Song, từ thực tế, ông Phạm Văn Tám - Chủ tịch Công ty Vàng - Bạc - Đá quý Kim Hảo thuộc phố vàng bạc đá trang sức chia sẻ: “Buôn có bạn, bán có phường, càng đông càng tạo được sức hút với khách hàng. Chúng tôi chỉ cạnh tranh về mẫu mã và cũng nhờ thế mà thợ kim hoàn chế tác sản phẩm ngày càng đẹp, tinh xảo để thu hút người mua”.
Theo các chuyên gia đô thị, việc hình thành các khu phố chuyên doanh như trên giúp phát triển du lịch, giữ gìn bản sắc, phát triển kinh tế, thuận lợi quản lý, là hướng đi cần thiết trong quá trình quy hoạch phát triển đô thị.