Cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn: Thiếu doanh nghiệp đủ tầm
Kinh tế - Ngày đăng : 07:20, 08/05/2017
Bằng việc nhân rộng mô hình, địa chỉ cung ứng, nông sản, thực phẩm an toàn, sản phẩm của nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Tuy vậy, trên bình diện chung, nông sản, thực phẩm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng do nguồn cung nhỏ giọt và khó tiêu thụ.
Giám đốc Công ty Thực phẩm BigGreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng cho biết, để đa dạng sản phẩm phục vụ khách hàng, DN có kế hoạch xây dựng kho bảo quản, nhưng do thiếu vốn và quỹ đất nên chỉ nhập rau, quả theo mùa. Trong khi đó, nhiều loại hoa quả của Việt Nam chưa có thương hiệu, không phong phú về chủng loại. “DN đã làm việc với một số đối tác để xuất khẩu các mặt hàng rau, củ, quả của Việt Nam, song do chủng loại không đồng đều, chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nên không đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu” - ông Nguyễn Tiến Hưng nói.
Qua tìm hiểu được biết, đối với sản phẩm rau, củ, quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chi phí cho việc bao bì, tem nhãn cũng khá tốn kém, nhưng giá bán không như mong đợi. Ngoài ra, người tiêu dùng còn hoài nghi về chất lượng, dẫn tới tiêu thụ chậm, khiến DN ngại đầu tư vào lĩnh vực này. Ông Đặng Bá Thắng, Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Đại Lan xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì cho biết: 72,5ha trồng rau của địa phương đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn. Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, HTX đã mở 14 cửa hàng bán rau, nhưng vào thời điểm chính vụ, sản lượng tiêu thụ cũng chỉ đạt từ 1 đến 1,5 tấn/ngày, còn lại từ 2 đến 3 tấn/ngày nông dân tự sản tự tiêu.
Mặt khác, vấn đề an toàn thực phẩm luôn là mối quan tâm hàng đầu, nhưng nghịch lý ở chỗ, người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua thịt tươi cho dù không biết rõ nguồn gốc hơn là mua thịt sạch được cấp đông có tem nhãn. Ông Nguyễn Văn Hưng đang quản lý chuỗi thịt lợn sinh học Hưng Tín ở huyện Thường Tín cho biết: Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi đã khâu nối với các siêu thị, cửa hàng, bếp ăn tập thể và DN chế biến thực phẩm nhưng chỉ tiêu thụ được khoảng 3 tấn thịt/tháng, thấp hơn nhiều so với năng lực chăn nuôi của trang trại.
Theo bà Trần Thanh Hà, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Great Việt Nam (thương hiệu rau sạch Vườn của mẹ): Để xây dựng chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn, công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm và kiểm tra ở các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ đóng vai trò quan trọng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Cùng với đó, có sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 nhà (nhà sản xuất, nhà khoa học và nhà kinh doanh), từ đó giúp DN tăng doanh số bán hàng.
Doanh số của DN tăng lên, đồng nghĩa với việc khuyến khích người dân mở rộng sản xuất, tăng thu nhập. Còn nhà khoa học đồng hành cùng nông dân trong cả quá trình sản xuất để bảo đảm sản phẩm đầu ra có chất lượng như yêu cầu của đơn vị kinh doanh. Nông dân tham gia chuỗi không lo về đầu ra mà chỉ tập trung sản xuất theo yêu cầu về chất lượng, số lượng của đơn đặt hàng... Nếu làm được như vậy việc xây dựng chuỗi mới hiệu quả.
Trao đổi nội dung trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng: Thực tế triển khai chuỗi nông sản, thực phẩm an toàn ở các địa phương đang gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ, khi xây dựng dự án phải xác định rõ đối tượng cần tiêu thụ là ai (DN, siêu thị, bếp ăn tập thể…) để không bị thua lỗ ngay từ khi mới hình thành.
Do vậy, các tỉnh, thành phố khi triển khai chuỗi nông sản, thực phẩm an toàn phải xác định các DN là "đầu tàu" tham gia vào phát triển chuỗi, các chuỗi đều phải gắn với cơ sở giết mổ, sơ chế đóng gói bảo đảm an toàn thực phẩm. Chính quyền địa phương hỗ trợ cho HTX ký kết hợp đồng mua, bán, bao tiêu sản phẩm với số lượng ổn định, lập kế hoạch sản xuất cụ thể đến từng hộ chăn nuôi để bảo đảm có sản phẩm tiêu thụ ổn định.