Cần cách làm trách nhiệm, sáng tạo

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:19, 09/05/2017

(HNM) - Đuối nước, đặc biệt khi vào hè, không phải vấn đề mới, đã được cảnh báo nhưng luôn là nỗi lo canh cánh của các hộ gia đình có con trẻ trên cả nước.

Những năm gần đây, số bể bơi được cấp phép hoạt động ở Hà Nội ngày càng tăng. Bên cạnh những bể bơi được đầu tư đồng bộ trong các tòa chung cư hay khu đô thị, nhiều bể bơi trong các trường học cũng đã được lắp đặt. Đây là tín hiệu vui, điều kiện quan trọng để tạo dựng sân chơi bổ ích và hướng đến mục tiêu phổ cập bơi cho học sinh.

Nhưng, đó chỉ là mảng màu sáng tại các quận nội thành, còn vùng ngoại thành gần như vẫn “trắng” bể bơi. Nếu như trường học trong nội thành vì diện tích chật hẹp không lắp đặt được bể bơi thì vùng ngoại thành dù có quỹ đất cũng khó có thể xây dựng bể bơi vì “điệp khúc” thiếu kinh phí và không thể kêu gọi xã hội hóa. Nhu cầu bơi của người dân ngày càng lớn đã kéo theo sự hình thành những bể bơi hoạt động trái phép. Biết là không được trang bị các điều kiện bảo đảm an toàn, chất lượng nước không đạt chuẩn… nhưng những ngày nắng nóng, các bể bơi này vẫn luôn trong tình trạng quá tải bởi người dân không có lựa chọn nào khác! Đó là chưa kể trẻ em ngoại thành còn tìm đến những "bể bơi" tự nhiên là ao, hồ, sông, ngòi.

Ngày 10-6-2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 13/CT-UBND, giao UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát cơ sở vật chất, điều kiện rèn luyện thể chất cho học sinh, trẻ em, đặc biệt là hướng dẫn tập luyện kỹ năng bơi lội và phòng chống đuối nước. Để thực hiện chỉ đạo này, việc triển khai xây dựng, lắp đặt bể bơi là yếu tố căn cơ, then chốt.

Vậy, cách nào để chủ trương sớm trở thành hiện thực, đi vào cuộc sống?

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, dù còn nhiều khó khăn song không ít địa phương đã có cách làm sáng tạo. Trong nội thành là việc lắp dựng các bể bơi thông minh, bể bơi mini. Phía ngoại thành, nhiều địa phương đã cải tạo những ao, hồ sạch thành những ao môi trường, đổ cát xuống đáy ao… tạo nên một bể bơi thật sự thiên nhiên, giàu ý nghĩa với cộng đồng. Đó là thành quả từ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, của đông đảo người dân và doanh nghiệp. Nhưng rất tiếc, công việc này chưa được thực hiện đồng đều ở các quận, huyện. Nơi làm được, nơi chưa động tĩnh… Rõ là, ở đâu chính quyền sở tại quan tâm, có trách nhiệm, nơi ấy sẽ có đổi thay tích cực.

Song, có một thực tế cũng cần được nhìn nhận thấu đáo. Ở vùng ngoại thành, vẫn có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư xây dựng bể bơi nhưng gặp khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đây là điều đáng để các cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền phân tích, nhìn nhận, có những điều chỉnh phù hợp và ưu đãi nhất định chính sách về đất đai, vốn…

Không phải ngẫu nhiên mà Chỉ thị 13/CT-UBND lại định hướng: Tăng cường vận động xã hội hóa công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Cách làm trách nhiệm, sáng tạo của mỗi địa phương sẽ là giải pháp mở đường, gỡ khó để có thể xây dựng được bể bơi, hướng đến việc hoàn thành các mục tiêu về nâng cao thể chất cho người Việt và xóa “mù” bơi, phòng chống đuối nước có hiệu quả.

Minh Thúy