Giới thiệu 2 tác phẩm của nhà văn Áo - Daniel Glattauer

Văn hóa - Ngày đăng : 18:51, 10/05/2017

(HNMO) - Tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) chiều tối 9-5, Nhà xuất bản Phụ nữ đã tổ chức chương trình giao lưu nhân dịp xuất bản 2 tiểu thuyết của nhà văn Áo - Daniel Glattaauer...


Daniel Glattauer sinh năm 1960 tại Vienne (Áo), sáng tác, viết báo, viết ca khúc từ năm 1985. Có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu của ông được xuất bản tại nhiều quốc gia, bao gồm "Chú chó Noel" (2000), "Đếm kiến" (2001), "Vì vậy" (2003), "Tiếng chim gào" (2004), "Cưỡng cơn gió bấc" (2006), "Rainer Maria đi tìm thiên đường" (2008), "Con sóng thứ bảy" (2009)... Trong đó, "Mãi yêu em" tạo ấn tượng đẹp với độc giả về giọng văn hóm hỉnh của Daniel Glattauer, khắc họa câu chuyện tình yêu giữa nàng Judith 37 tuổi, chủ hiệu bán đèn với chàng kiến trúc sư Hannes, 42 tuổi. Phía sau câu chuyện tình yêu ấy là nỗi sợ tình yêu cưỡng áp, dẫu nó được ngụy trang bằng muôn vàn yên ấm, để rồi qua đó, tác giả truyền tải thông điệp trong tình yêu phải có sự tôn trọng từ cả hai phía, không được trói buộc.

"Ân sủng của đời" là một trong những tiểu thuyết mới nhất của Daniel, trong đó, tác giả tiếp tục gây ấn tượng với lối viết vừa hài hước vừa ý nhị, duyên dáng. Thông qua câu chuyện về nhân vật chính Geri, tác giả viết về tình cảm cha - con, thể hiện trách nhiệm của Geri với cậu con trai 14 tuổi của mình, cũng như bàn về vai trò của người làm báo trong thế giới đương đại vô vàn áp lực. Mượn góc nhìn của Geri, những vấn đề xã hội như: nhập cư trái phép, tị nạn, thất nghiệp, đói nghèo... được Daniel Glattauer đề cập tới bằng ngòi bút gây cười, cái cười giúp người ta hiểu có thể tiếp cận những vấn đề nóng trong xã hội theo nhiều cách khác nhau.

Trao đổi với độc giả, dịch giả Lê Quang - người chuyển ngữ của cả 2 cuốn tiểu thuyết chia sẻ: "Văn học Áo chưa được giới thiệu nhiều ở Việt Nam, phần vì khó dịch, phần vừa kén người đọc, nhưng đây là nền văn học có nhiều giá trị, trong đó, Daniel Glattauer là một gương mặt tiêu biểu đương đại, có nhiều tác phẩm ấn tượng xứng đáng để giới thiệu với độc giả Việt Nam. Ấn tượng đó, có khi không nằm ở tầm vóc, mà ở lối viết - có thể mạnh dạn nhận định là rất "chất".

Mai Hoa