Xây dựng nông thôn mới: Rút ngắn khoảng cách vùng, miền
Kinh tế - Ngày đăng : 07:06, 10/05/2017
Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các xã làm giao thông, thủy lợi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thái Hiền |
Khoảng cách chênh lệch lớn
Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), mỗi địa phương có những vận dụng sáng tạo để đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Ví như huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định: Sau khi trở thành huyện NTM đã tiếp tục chỉ đạo phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân; tạo dựng cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp; các giá trị văn hóa truyền thống được phát huy; xây dựng NTM gắn với con người mới văn minh, tình nghĩa... Nhờ xác định rõ bước đi, diện mạo đời sống nông thôn ở Hải Hậu ngày một đẹp hơn; đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân nơi đây được nâng cao. Đặc biệt ở huyện Hải Hậu, thôn, làng nào cũng có hương ước văn hóa...
Xuất phát từ thực tế, tỉnh Hà Tĩnh đã đưa thêm tiêu chí số 20 là “khu dân cư kiểu mẫu và vườn mẫu” vào Bộ tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn NTM. Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết, tỉnh Hà Tĩnh ban hành cơ chế hỗ trợ 20 triệu đồng/vườn mẫu trồng cây ăn quả, chăn nuôi. Mô hình phát huy hiệu quả và từng bước được nhân rộng ra hơn 1.000 thôn. Đến nay, thay vì hỗ trợ, tỉnh Hà Tĩnh thưởng cho mỗi mô hình vườn mẫu 5 triệu đồng.
Tại Hà Nội, triển khai xây dựng NTM, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các xã như: Hỗ trợ làm giao thông, thủy lợi; đưa cơ giới hóa vào sản xuất; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Nhờ vậy, NTM Thủ đô đã có những chuyển biến rõ nét. Hà Nội có 255/386 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 66% tổng số xã; 2 huyện là Đan Phượng, Đông Anh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.
Tuy nhiên, kết quả xây dựng NTM chưa đồng đều và đang ngày càng có sự chênh lệch khoảng cách lớn giữa các địa phương, vùng miền trên cả nước. Đơn cử, tại tỉnh Quảng Ngãi có 164 xã xây dựng NTM thì có 64 xã thuộc các huyện nghèo, 19 xã thuộc vùng khó khăn, bãi ngang, hải đảo. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh còn 42% tỷ lệ hộ nghèo và kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, dễ phát sinh tái nghèo. Đến hết tháng 3-2017, tỉnh này có 24/164 xã đạt chuẩn NTM. Tương tự, tại tỉnh Bắc Cạn, đến nay mới có 3/110 xã đạt chuẩn NTM…
Tuyên dương kịp thời mô hình tốt
Theo lộ trình, đến năm 2020 cả nước có 50% số xã đạt chuẩn NTM. Để hoàn thành mục tiêu, đi đôi với lồng ghép nguồn lực hợp lý đầu tư xây dựng NTM thì cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khác. Trong đó, đẩy mạnh tuyên dương kịp thời những mô hình tốt, cách làm hay; những tập thể, cá nhân tốt, điển hình, từ đó tạo sức lan tỏa, đưa phong trào xây dựng NTM đi vào chiều sâu và phát triển nhanh về chiều rộng.
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cả nước hiện có 2.656/8.924 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 29,76% tổng số xã. Các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ; Đông Nam Bộ đạt kết quả cao: Hà Nội (255/386), Hải Dương (102/226), Nam Định (102/294), TP Hồ Chí Minh (54/56), Bình Dương (42/49) đạt chuẩn NTM. Các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên kết quả đạt thấp như: Cao Bằng (5/177), Bắc Kạn (2/110), Sơn La (3/188), Điện Biên (4/116), Đắc Nông (1/61)... |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: "Mục tiêu của chúng ta là làm sao rút ngắn khoảng cách đạt các tiêu chí giữa địa phương, vùng miền. Đây là yếu tố quyết định về đích NTM". Để cụ thể hóa nhiệm vụ này, Bộ NN&PTNT đang triển khai thêm hai chương trình mới vào nội dung hoạt động của chương trình xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Đó là chương trình mỗi làng một sản phẩm và chương trình vườn mẫu.
“Qua thực hiện điểm ở tỉnh Quảng Ninh cho thấy, mỗi làng một sản phẩm là mô hình thành công và phù hợp với nông thôn Việt Nam. Hiện nay, cả nước có khoảng 10 triệu hộ nông dân canh tác trên diện tích đất không rộng.
Trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải tập trung tháo gỡ sản xuất để cải thiện đời sống cho nhân dân. Chính bởi vậy, trong định hướng phát triển, việc tổ chức lại sản xuất tập trung, hàng hóa để người dân tự vượt lên chính mình thành những chủ nhân mới, không chỉ giỏi sản xuất làm giàu cho mình, mà còn đóng góp cho cả nước và xuất khẩu” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, mô hình vườn mẫu gắn với khu dân cư kiểu mẫu cũng sẽ được song song triển khai, khai thác nét đẹp riêng của nông thôn Việt Nam là “canh xen cư”. Khâu đầu tiên các địa phương phải tổ chức thực hiện hiệu quả là làm cho nơi ở của người dân sạch đẹp, có thu nhập chính trước hết từ mảnh vườn của mình. Qua thực tế triển khai tại tỉnh Hà Tĩnh, đến nay đã có trên 10.000 vườn mẫu vừa mang nét đẹp văn hóa nông thôn Việt Nam và là nơi cung cấp dinh dưỡng sạch, bổ dưỡng cho chính người dân trong vùng và rộng hơn là sản phẩm hàng hóa giúp tăng thu nhập cho các gia đình...