Nhiếp ảnh gia Ních Út kể về khoảnh khắc chụp “Em bé Napalm”
Văn hóa - Ngày đăng : 11:31, 11/05/2017
Nhiếp ảnh gia Nick Út trao tặng ảnh cho bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. |
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết, ngay sau khi tiếp nhận tác phẩm nổi tiếng mà tác giả Nick Út đã gìn giữ suốt 45 năm, Bảo tàng đã sắp xếp bức ảnh thành chuỗi để kể câu truyện về “Em bé Napalm” đến gần hơn với độc giả.
Trải qua thời gian, chuỗi bức ảnh “Em bé Napalm” đã tác động mạnh mẽ tới toàn thể độc giả trên thế giới. Chỉ sau 4 giờ khi được gửi từ Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh), bức ảnh đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam đến Tokyo (Nhật) và New York (Mỹ), gây sốc cho toàn thế giới và châm ngòi cho phong trào phản đối chiến tranh tại Mỹ cũng như khắp các nước Châu Âu thời bấy giờ.
Bức ảnh của Nick Út đã nhận được giải thưởng Pulitzer (Mỹ) năm 1973 đồng thời cũng làm thay đổi số phận của của bé Kim Phúc từ một nạn nhân chiến tranh thành Đại sứ Hòa bình của Liên hợp quốc. Năm bức ảnh không chỉ là câu chuyện của cuộc chiến tranh, của lịch sử mà còn là câu chuyện của tình người, sự kết nối, sự bền vững và truyền cảm hứng cho cuộc sống hôm nay.
Trở lại Việt Nam lần này, nhiếp ảnh gia Nick Út chia sẻ: “Tôi không còn trẻ nữa, ba lần bị thương trong chiến tranh giờ vẫn còn mảnh đạn trong người, cuộc sống chẳng biết thế nào. Nhân dịp sắp 45 năm kỷ niệm bức ảnh “Em bé Napalm” tôi muốn gửi bức ảnh lại một nơi để nhắc nhở nhiều người về một thời kỳ lịch sử khốc liệt đã trải qua trên đất nước Việt Nam. Và không đâu phù hợp hơn là bảo tàng Phụ nữ Việt Nam”.
Nhớ lại thời điểm lịch sử ra đời tấm ảnh “Em bé Napalm”, nhiếp ảnh gia Nick Út kể: “Thời điểm khi đó bom napalm thả xuống rất nhiều tại thị xã Trảng Bàng, khói bay nghi ngút, tôi nghĩ ko còn ai trong thị xã còn sống nữa. Rồi nhiều người chạy ra khỏi từ đám khói, đập vào mắt tôi là hình ảnh người mẹ bế em bé đã chết bỏng trên tay. Tôi chỉ kịp chụp vài bức ảnh rồi vội vã chạy đến ôm cô bé Kim Phúc rồi lên xe đến bệnh viện Củ Chi. Ban đầu họ không chịu giúp đỡ và yêu cầu tôi đưa các em đến bệnh viện Sài Gòn. Tôi đã rút thẻ nhà báo và nói, nếu em bé không được giúp ngay thì sẽ chết, mai sẽ lên mặt báo. Lúc đó, họ mới chịu cứu chữa cho em”.
Nick Út tên thật là Huỳnh Công Út, sinh ngày 29-3-1951, quê ở Long An, hiện là người Mỹ gốc Việt, sống ở Los Angeles. Ông có dự định sẽ quay lại Việt Nam nhiều hơn để chụp ảnh đất nước, con người Việt Nam và cùng Kim Phúc về lại mảnh đất Trảng Bàng, Tây Ninh để thấy sự thay đổi trong hòa bình.
Chuỗi ảnh của nhiếp ảnh gia Nick Út đang được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đến hết ngày 18-5-2017.