Đưa xe buýt thường chạy chung làn với BRT: Khai thác tối đa năng lực hạ tầng
Giao thông - Ngày đăng : 06:25, 11/05/2017
- Dư luận đang cho rằng tuyến BRT đầu tiên của Hà Nội hoạt động không hiệu quả, đánh giá của ông thế nào?
- Nhận xét như vậy là không thỏa đáng. Bất kỳ loại hình vận tải nào cũng cần thời gian để tăng trưởng. Mỗi tuyến vận tải hành khách công cộng không thể đánh giá hiệu quả chính xác ngay trong vài tháng đầu đưa vào khai thác mà cần một quá trình. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu kể từ khi chính thức đưa vào khai thác (từ ngày 1-1 đến ngày 30-4), tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa thực hiện 40.031 lượt xe với tổng lượng vận chuyển hơn 1,64 triệu khách, bình quân 41,5 khách/lượt xe. Con số này vào giờ cao điểm là 75,9 khách/lượt xe (cá biệt, có lượt xe chở hơn 90 khách), giờ thấp điểm 19,5 khách/lượt xe.
Lượng khách trong giai đoạn chạy miễn phí (từ ngày 1-1 đến ngày 5-2) đạt bình quân 39 khách/lượt. Còn giai đoạn thu tiền đạt 42,5 khách/lượt. Sản lượng hành khách của tuyến BRT thời gian đầu hoạt động cao gấp 8 lần so với tuyến buýt thường Yên Nghĩa - Kim Mã thử nghiệm theo đúng lộ trình tuyến BRT trước đó. Qua khảo sát, đã có 23% số hành khách được hỏi cho biết đã từ bỏ xe riêng để sử dụng BRT. Trong bối cảnh người dân còn "chuộng" sử dụng phương tiện cá nhân, kết quả đó rất đáng khích lệ.
Tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa. Ảnh: Anh Tuấn |
- Được biết, thành phố đang có chủ trương nghiên cứu cho xe buýt thường chạy chung làn đường dành riêng cho BRT. Vậy, cụ thể ra sao, thưa ông?
- Trước tiên phải khẳng định, ý tưởng đưa xe buýt thường chạy chung làn với BRT là phương án thí điểm với tiêu chí để khai thác tối đa năng lực của làn đường BRT. Làn BRT theo thiết kế cho phép chạy tối đa 3 phút/lượt xe, trong khi hiện mới đang duy trì 5-10 phút/lượt. Việc đưa xe buýt thường vào sẽ giúp khai thác hết năng lực của hạ tầng trong những khung giờ trống, đồng thời giảm áp lực cho làn đường hỗn hợp. Cho xe buýt thường chạy vào làn BRT sẽ giúp tăng được tốc độ dịch vụ, qua đó thời gian chuyến đi và biểu đồ tần suất phục vụ hành khách được cải thiện. Một điều nữa là những xe buýt thường hiện nay không có tuyến nào chạy trùng tuyến với BRT, mà chỉ là những tuyến buýt gom cho BRT. Khi buýt thường cải thiện được dịch vụ, khách đi nhiều hơn để trung chuyển sang BRT, qua đó gián tiếp đẩy sản lượng của BRT. Cách đặt vấn đề là hợp lý trong điều kiện hiện nay, song vẫn phải làm một phép thử để kiểm tra và có những đánh giá chính xác hơn.
- Đưa xe buýt thường vào chạy chung làn liệu có phá vỡ chất lượng dịch vụ của BRT? Bao giờ sẽ chính thức thí điểm, thưa ông?
- Chúng tôi cũng nhận được ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên, xin được nói rõ, xe buýt thường chỉ chạy trùng một số đoạn ngắn (khoảng vài kilômét trở lại) nên việc bố trí điểm dừng, đỗ cho xe buýt thường phải được khảo sát, tính toán một cách cụ thể để ra vào hợp lý, nhưng cũng phải kết nối tốt với nhà chờ của BRT mà lại không gây xung đột giao thông. Hiện, ý thức của người tham gia giao thông trên hành lang giao thông này đã tốt hơn nhiều so với giai đoạn mới đưa BRT vào khai thác, nên tới đây việc bố trí nhà chờ cho các phương tiện buýt thường không quá phức tạp.
Bên cạnh đó, việc có cả BRT và buýt thường chạy liên tục trên làn đường riêng sẽ góp phần cản trở những phương tiện khác xâm phạm. Trước đây, có nhiều người điều khiển phương tiện cá nhân đã vô ý thức, thậm chí cố tình xâm phạm vào làn đường dành riêng cho BRT. Khi đưa vào chạy chung, chúng ta vẫn phải giữ nguyên tắc lấy BRT làm chủ đạo. Hiện, cao điểm BRT là 5 phút/lượt xe, đưa buýt thường vào thì tần suất sẽ khoảng 3 phút/lượt, không phải ken đặc mà vẫn sẽ tuân thủ thiết kế và BRT vẫn có thể hoạt động bình thường, không bị thay đổi về tốc độ và biểu đồ.
Theo kế hoạch, ngay trong tháng 5 này, Sở GT-VT sẽ cùng Tổng công ty Vận tải Hà Nội hoàn thành công tác khảo sát và chuẩn bị để sang tháng 6-2017 bắt đầu thí điểm. Những vấn đề bất cập sẽ sớm được các ngành chức năng xử lý nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Sau quá trình khảo sát, Sở GT-VT sẽ quyết định về điều chỉnh tổ chức giao thông; Tổng công ty phải ra thông báo về việc điều chỉnh dịch vụ. Cùng với đó, phải thay đổi hệ thống tín hiệu giao thông; nhà chờ cũ (phía bên phải đường) phải xê dịch để nâng cao khả năng tiếp cận, đặc biệt là với người khuyết tật... Dự kiến, thời gian thí điểm trong 6 tháng.
- Trân trọng cảm ơn ông!