Hà Nội - Lâm Đồng thúc đẩy hợp tác phát triển toàn diện

Chính trị - Ngày đăng : 09:25, 11/05/2017

(HNMO) - Sáng 11-5, tại Hà Nội, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có buổi làm việc nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển toàn diện giữa hai tỉnh, thành phố.

Chủ trì cuộc làm việc, về phía TP Hà Nội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hoàng Trung Hải; Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành uỷ Đào Đức Toàn. Về phía tỉnh Lâm Đồng, có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Tiến; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Văn Việt...


Toàn cảnh buổi làm việc.


Mở đầu buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, giai đoạn 2004-2006, Hà Nội đã thực hiện nhiều hoạt động hợp tác, hỗ trợ an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng với tỉnh Lâm Đồng với tổng số tiền là 261,286 tỷ đồng, gồm 53 công trình xây dựng, cung cấp nhiều trang thiết bị y tế, giáo dục.

Cụ thể, đến nay tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư của các nhà đầu tư từ thành phố Hà Nội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 26 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 8.482 tỷ đồng, quy mô diện tích thực hiện dự án khoảng 2.202 ha.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức các đoàn nghiên cứu, học tập mô hình phát triển chăn nuôi bò thịt cao sản tại Hà Nội nhằm đánh giá rút kinh nghiệm để hoàn thiện Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt cao sản của tỉnh giai đoạn 2015-2020. Đồng thời, Hà Nội đã tổ chức các đoàn đến Lâm Đồng tham quan và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh Lâm Đồng.

Hai địa phương đã ký kết Chương trình phối hợp công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản; kiểm tra, giám sát, phối hợp truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm thuỷ sản nhằm bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ theo quy định.

Trong các lĩnh vực về xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại..., giữa hai địa phương đã thường xuyên có hoạt động kết nối, giao thương. Đặc biệt, các doanh nghiệp của tỉnh Lâm Đồng đã cung ứng cho các siêu thị, chợ đầu mối, nhà phân phối của Hà Nội nhiều sản phẩm nông sản như rau, củ quả, hoa, cà phê, rượu vang...

Trong hai năm 2015 và 2016, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ quỹ an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo tỉnh Lâm Đồng 5 tỷ đồng. Riêng với huyện Lâm Hà, với tình cảm đặc biệt, từ khi hình thành vùng kinh tế mới Hà Nội đến nay, các cấp uỷ đảng, chính quyền và các sở, ban, ngành, đoàn thể của Hà Nội đã hỗ trợ đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí hơn 250 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, mặt đạt được, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng nêu một số khó khăn, hạn chế như kết quả hợp tác chưa tương xứng với khả năng và thế mạnh của hai địa phương; một số đơn vị chưa tích cực, chủ động thực hiện nội dung hợp tác và đánh giá kết quả hợp tác....

Đồng tình với báo cáo nêu trên, đồng chí Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao truyền thống hợp tác giữa hai địa phương trong thời gian qua. Đặc biệt, Lâm Đồng được thụ hưởng sự quan tâm của Hà Nội trên nhiều lĩnh vực, với nhiều địa phương, nhất là với huyện Lâm Hà.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên nêu thêm, một trong những thế mạnh của địa phương là phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, hiện nay khâu tiêu thụ sản phẩm và nhận diện thương hiệu đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, Lâm Đồng mong muốn Hà Nội giúp xây dựng một chợ hoặc trung tâm đầu mối để phân phối các loại rau, hoa quả mang thương hiệu Đà Lạt ra toàn thành phố và các tỉnh lân cận, tạo niềm tin cho người dân đối với thương hiệu Đà Lạt.

Ngoài ra, Lâm Đồng cũng mong muốn được Hà Nội giúp đỡ, giới thiệu nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông sản, đặc biệt là hạt cà phê. 

Đề cập đến hợp tác trong lĩnh vực du lịch giữa hai tỉnh, thành phố, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định, thời gian tới, phát huy thế mạnh của hai địa phương, Hà Nội và Lâm Đồng sẽ có chương trình hợp tác cụ thể, gắn với từng doanh nghiệp, từng sản phẩm nhằm đem lại lợi ích cho du khách. 

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đào Đức Toàn đề cập đến công tác xây dựng Đảng giữa hai tỉnh, thành phố hiện chưa có sự trao đổi sâu nên mong muốn trong thời gian tới, các ban đảng giữa hai địa phương sẽ tăng cường gặp gỡ, giao lưu trao đổi; đặc biệt trong thực hiện một số chủ trương của Trung ương, những vấn đề mới trong xây dựng đảng hiện nay....

"HĐND TP Hà Nội đã cử đoàn công tác là Ban kinh tế ngân sách vào Lâm Đồng để xem xét hiệu quả đầu tư của các dự án. Kết quả rất đáng ghi nhận là các khoản đầu tư đều được sử dụng đúng mục đích, đặc biệt là các dự án an sinh xã hội đã mang lại hiệu quả, được nhân dân đồng thuận" - Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu. 

Phát biểu cuối buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng bày tỏ sự trân trọng, đánh giá cao sự hợp tác và kết quả bước đầu đạt được giữa hai tỉnh, thành phố trong thời gian qua. Sự giúp đỡ, hỗ trợ hiệu quả, thiết thực của Hà Nội đối với Lâm Hà là nguồn lực bổ sung giúp Lâm Hà từ huyện khó khăn vươn lên thành huyện ở mức trung bình. 

Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến cũng đề nghị chương trình hợp tác giữa hai tỉnh, thành phố trong thời gian tới phải xác định rõ mục đích, mục tiêu và nội dung liên kết nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho hai bên, tránh tình trạng chung chung, chạy theo phong trào. Trên cơ sở xác định tiềm năng, lợi thế từng địa phương, quá trình hợp tác sẽ diễn ra trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, cung cấp nông sản sạch cho thành phố Hà Nội, Lâm Đồng cam kết đối với sản phẩm thông qua hợp đồng, liên kết được bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP, gắn các nhãn hiệu hàng hoá xuất xứ về địa lý.

Bí thư tỉnh uỷ Lâm Đồng cũng mong muốn sẽ tiếp tục trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin với Hà Nội trong lĩnh quản lý đô thị, công tác xây dựng đảng, cải cách hành chính, giám sát cơ quan dân cử, xây dựng chính quyền điện tử... nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính hai địa phương. 

Riêng với những hỗ trợ từ thành phố, các quận huyện của Hà Nội cho huyện Lâm Hà, tỉnh nhận thức rằng đây là các khoản hỗ trợ xuất phát từ tình cảm, sự chắt chiu, tiết kiệm từ ngân sách thành phố, quận huyện và đóng góp của nhân dân Thủ đô nên quá trình quản lý, chi tiêu, sử dụng đều chặt chẽ, đúng mục tiêu, mục đích, căn cứ theo quy định của pháp luật để mang lại hiệu quả. Tỉnh và huyện cũng xác định phải chủ động sáng tạo, tự lực vươn lên mà không trông chờ, ỷ lại vào các khoản hỗ trợ.

Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội và Tỉnh uỷ Lâm Đồng tặng quà lưu niệm tại buổi gặp gỡ.


Thay mặt cho đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, đồng chí Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội bày tỏ sự vui mừng khi được tiếp đón đoàn công tác của Thường vụ tỉnh uỷ Lâm Đồng ra thăm và làm việc với Hà Nội. Điều này thể hiện tình cảm đặc biệt, mối quan hệ truyền thống lâu năm giữa đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 địa phương. 

Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh, thời gian qua, Hà Nội và Lâm Đồng đã có sự hợp tác, phối hợp đáng khích lệ trong tất cả các lĩnh vực như xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, giáo dục đào tạo,... góp phần cho 2 địa phương hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn 2011-2015 và các năm tiếp theo

Đồng tình với các nội dung hợp tác được đề xuất tại buổi làm việc, Bí thư Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, thời gian tới, giữa hai tỉnh, thành phố sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xây dựng đảng và hệ thống chính trị; củng cố, xây dựng các cơ sở đảng vững mạnh, nhất là trong giai đoạn hiện nay . 

Ngoài 53 dự án đang hợp tác hiện nay, tiềm năng giữa hai địa phương còn rất lớn. Do đó, đại diện hai tỉnh, thành phố cần tích cực tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư của các bên được tổ chức thường niên hàng năm. 

Trong phát triển du lịch, Hà Nội cũng chú trọng gắn kết với các địa phương, trong đó Đà Lạt, Lâm Đồng là một điểm kết nối quan trọng. 

Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng đề nghị các cấp sở, ngành giữa hai địa phương cần chủ động gặp gỡ, giao lưu để trao đổi, học hỏi, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tránh sự kết nối, hợp tác mang tính hình thức.

Bảo Hân