Quy trình chặt chẽ để bảo đảm thực chất
Tuyển sinh - Ngày đăng : 07:19, 12/05/2017
Ba vòng kiểm tra điểm cho từng học sinh
Năm học 2017-2018, Hà Nội tiếp tục áp dụng phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển làm căn cứ để tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Trong đó, điểm thi tuyển là kết quả bài thi hai môn ngữ văn và toán (tính hệ số 2), điểm xét tuyển là kết quả học tập, rèn luyện của học sinh (HS) ở 4 năm học cấp THCS. Tổng điểm xét tuyển tối đa (không tính điểm cộng thêm) của học sinh dự tuyển vào lớp 10 THPT là 60, bao gồm 40 điểm của hai bài thi; 20 điểm còn lại là điểm THCS, chia đều cho 4 năm học (lớp 6, 7, 8, 9). Mỗi năm, học sinh được tính tối đa 5 điểm nếu là học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt; tùy theo xếp loại học lực, hạnh kiểm mà học sinh có thể bị trừ điểm THCS theo các mức độ quy định.
Hà Nội tiếp tục áp dụng phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển vào lớp 10 THPT để bảo đảm chất lượng đầu vào. Ảnh: Nhật Nam |
Theo nhận định của đại diện ban giám hiệu, các thầy, cô giáo trực tiếp đứng lớp ở các trường THCS, phương thức tuyển sinh này có tác động tích cực tới việc dạy - học, buộc học sinh THCS phải học đều các môn và chú trọng rèn luyện chứ không chỉ tập trung vào một số môn văn hóa. Từng đầu điểm được quản lý bằng sổ điểm điện tử, không thể tùy ý bổ sung, chỉnh sửa, vì vậy, ngay khi vào học lớp 6, hầu hết học sinh đều đã có ý thức "chắt chiu" điểm số.
Việc kiểm soát tính chính xác và bảo đảm tính khách quan của điểm THCS được các nhà trường và phòng giáo dục - đào tạo quận, huyện, thị xã coi trọng trong suốt quá trình học tập của học sinh. Theo ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội, sau ngày 10-5, các trường THCS sẽ công khai toàn bộ điểm THCS của từng học sinh lớp 9. Thông tin sẽ được gửi về các lớp để học sinh tự kiểm tra điểm của mình và kiểm tra chéo lẫn nhau. Sau phần tự kiểm tra của học sinh, các trường THCS trên cùng địa bàn sẽ tổ chức kiểm tra chéo giữa các đơn vị và vòng kiểm tra cuối cùng là do Thanh tra Sở GD-ĐT thực hiện. Với ba vòng kiểm tra này, trong vài năm gần đây, phần điểm THCS luôn bảo đảm tính chính xác nên chưa có trường hợp khiếu nại về điểm số của học sinh lớp 9 dự tuyển vào lớp 10.
Đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9
Đến thời điểm này, các trường THCS đang tập trung cao độ vào việc tổ chức cho học sinh ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 - diễn ra vào ngày 9-6-2017. Mối quan tâm hàng đầu của các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh là đề thi.
Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, đề thi hai môn toán và ngữ văn của kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT trên địa bàn được xây dựng theo hình thức tự luận. Nội dung đề thi dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THCS hiện hành, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Đề thi sẽ có các câu hỏi cơ bản và câu hỏi khó nhằm phân loại học sinh.
Trước hiện tượng một số học sinh đôn đáo tìm nơi ôn tập ở gần trường THPT mà mình có nguyện vọng dự tuyển hoặc tại những "lò luyện" được cho là có giáo viên của các trường THPT có uy tín giảng dạy, ông Phạm Hữu Hoan khẳng định: Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 do Sở GD-ĐT Hà Nội biên soạn với quy trình nghiêm ngặt, khoa học, dùng để tuyển sinh thống nhất cho tất cả các trường THPT chứ không phải do một đơn vị cụ thể nào xây dựng. Các bậc phụ huynh cần lưu ý điều này để cùng con xây dựng kế hoạch ôn tập hiệu quả, không nên nghe theo những lời quảng cáo mà khiến con mình bị mất tập trung, thậm chí gây thêm áp lực. Học sinh cần bám sát nội dung trong sách giáo khoa và định hướng của thầy, cô giáo để ôn tập cho tốt. Nếu muốn đạt điểm tối đa ở các bài thi hoặc có nguyện vọng thi vào các lớp chuyên, các em cần được luyện thêm các bài khó.
Liên quan đến cấu trúc đề thi vào các lớp chuyên, trước mối băn khoăn của nhiều phụ huynh khi thấy một số trường THPT chuyên trực thuộc các trường đại học trên địa bàn thành phố năm nay đã chuyển từ bài thi đơn lẻ sang bài thi tổng hợp, ông Ngô Văn Chất khẳng định, năm nay các trường THPT chuyên, trường THPT có lớp chuyên của Hà Nội vẫn áp dụng phương thức thi tuyển như năm trước. Cụ thể, ngoài bài thi hai môn ngữ văn, toán, học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp chuyên thi thêm môn ngoại ngữ và một môn chuyên tương ứng với nguyện vọng đăng ký. Học sinh đăng ký dự tuyển vào trường nào là tùy theo năng lực và nguyện vọng cá nhân, song, cần cân nhắc kỹ về cách thức thi để có kế hoạch ôn tập đạt hiệu quả cao nhất.
Một số mốc thời gian học sinh cần lưu ý:
- Ngày 18-5: Học sinh xem danh sách dự tuyển và nguyện vọng đăng ký
- Ngày 20-5: Công bố số lượng học sinh dự tuyển vào từng trường THPT.
- Ngày 22 và 23-5: Nhận đơn thay đổi nguyện vọng dự tuyển của học sinh.
- Ngày 3-6: Giao phiếu báo thi cho học sinh.
- Ngày 9-6: Thi tuyển.