Vì thị trường hàng Việt bền vững
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:50, 13/05/2017
Trên bình diện chung, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường nội địa và làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân đối với hàng hóa trong nước. Qua hơn 7 năm thực hiện cuộc vận động, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình, đồng thời nhận thức đó là cơ hội để phát triển. Cũng từ đây, quyền lợi của người tiêu dùng được nâng lên và từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng. Mối quan hệ chặt chẽ ấy là động lực đẩy mạnh sức tiêu thụ hàng Việt. Đó chính là sự bền vững để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là kết quả đạt được bước đầu.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, cơ hội và thách thức đối với hàng hóa Việt không phải là nhỏ. Tận dụng được cơ hội sẽ tạo ra thế, lực mới và ngược lại. Trong khi nhiều sản phẩm nhập khẩu đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng thì không ít doanh nghiệp trong nước vẫn loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm bởi chưa chiếm lĩnh được thị trường. Đã vậy, không ít doanh nghiệp còn lợi dụng chiêu trò, thực hiện hành vi gian lận thương mại, kinh doanh mang tính chộp giật. Đặc biệt, tại nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hàng Việt Nam có chất lượng vẫn chưa đến tay người tiêu dùng,…
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hướng đến mọi đối tượng, trên phạm vi rộng và toàn diện nên cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Song, vai trò mấu chốt, mắt xích chính yếu phải thuộc về doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Doanh nghiệp phải làm ra hàng hóa có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh, phải có chiến lược phát triển hệ thống phân phối đi đôi với “chiến dịch” tuyên truyền xuyên suốt mọi thời điểm. Phải áp dụng công nghệ thông tin trong quảng bá thương hiệu và dùng công nghệ để công khai thông tin hàng hóa nhằm tạo niềm tin với người tiêu dùng.
Trong những năm qua, các ban, ngành của TP Hà Nội đã có nhiều việc làm thiết thực để mở rộng phạm vi, đối tượng của cuộc vận động như: Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, phối hợp với các ngân hàng để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, tuyên truyền, mở những đợt bán hàng cao điểm đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng... Đặc biệt, sự kết nối, xúc tiến thương mại giữa Hà Nội với các vùng, miền trong cả nước đã tạo ra sự đa dạng, phong phú chủng loại hàng hóa và bình ổn thị trường. Tuy nhiên, tại nhiều vùng nông thôn, thị trường bán lẻ hàng Việt có chất lượng vẫn chưa được phủ kín; sự kết nối giữa những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phục vụ nông nghiệp với bà con nông dân còn hạn chế; một mảng lớn sản phẩm của các làng nghề Hà Nội chưa xây dựng được thương hiệu nên sức vươn có hạn…
Thực tế này đòi hỏi kênh phân phối và hệ thống bán lẻ ở nông thôn cần được phát triển bài bản hơn. Và điều quan trọng nhất, quyền lợi của người tiêu dùng phải được pháp luật bảo vệ; mọi hành vi gian lận phải bị xử lý kịp thời, triệt để. Khi đã xây dựng được niềm tin với người tiêu dùng sẽ đồng nghĩa với việc hàng Việt có thị trường bền vững.