Tản Hồng - điểm sáng bảo vệ môi trường

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:04, 13/05/2017

(HNM) - Với cách làm thiết thực, hiệu quả, xã Tản Hồng được huyện Ba Vì đánh giá là điểm sáng trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong giữ gìn cảnh quan khu dân cư và xây dựng nghĩa trang nhân dân.


Chuyển biến từ nhận thức...


Theo Chủ tịch UBND xã Tản Hồng Phương Văn Liểu: Trước đây, do ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế nên rác thải sinh hoạt và chăn nuôi xả thải bừa bãi… khiến nhiều tuyến đường, ao hồ ngập rác, bốc mùi xú uế, tình làng nghĩa xóm bị sứt mẻ…

Đường làng, ngõ xóm sạch sẽ ở xã Tản Hồng.



Để khắc phục tình trạng trên, bảo vệ môi trường bền vững, xã giao cho các hội, đoàn thể trực tiếp gặp gỡ hội viên, đoàn viên để tuyên truyền, vận động ký cam kết nộp đầy đủ phí thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, không xả thải bừa bãi, không chặt phá cây xanh, xóa bỏ thói quen sử dụng túi ni lông… Trong nội dung cam kết nêu rõ: Gia đình nào vi phạm sẽ bị nhắc nhở trên hệ thống loa truyền thanh, tái phạm nhiều lần bị kiểm điểm trước hội nghị nhân dân và không được xét công nhận Gia đình văn hóa… Ngoài ra, Đoàn Thanh niên đăng ký duy trì vệ sinh các tuyến đường tự quản; Hội Liên hiệp phụ nữ đăng ký thực hiện phong trào “Hạn chế sử dụng túi ni lông”, “Thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật” trên đồng ruộng. Hội Người cao tuổi vận động hội viên thực hiện phong trào cưới, tang văn minh, không rải tiền vàng mã ra đường… Hằng năm, các hội, đoàn thể ở 6 thôn ký giao ước thi đua giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư, đồng ruộng. Mặt trận Tổ quốc xã chịu trách nhiệm giám sát và chấm điểm thi đua…

Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị nên không chỉ cảnh quan ở xã Tản Hồng ngày càng được cải thiện mà ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường cũng được nâng cao. Bà Lê Thị Loan, ở thôn La Phẩm cho biết: “Trước đây, tôi và nhiều người thường sử dụng túi ni lông để chứa thực phẩm. Từ khi được Hội Liên hiệp phụ nữ xã tuyên truyền về tác hại của túi ni lông, chúng tôi đã chuyển sang dùng làn nhựa đựng thực phẩm nên hạn chế việc thải túi ni lông ra môi trường”.

... tới phát triển cơ sở hạ tầng


Để tạo thuận lợi cho các tổ thu gom và doanh nghiệp vận chuyển rác về khu xử lý tập trung, xã đã quy hoạch, xây dựng điểm tập kết rác thải sinh hoạt xa khu dân cư; đồng thời, thành lập 20 tổ vệ sinh môi trường. Các tổ vệ sinh có trách nhiệm thu gom, vận chuyển rác thải từ khu dân cư và chợ đến điểm tập kết. Để duy trì ổn định hoạt động của tổ vệ sinh, 100% các hộ dân đã thường xuyên đóng đủ mức giá dịch vụ vệ sinh môi trường 3.000 đồng/người/tháng…

Trao đổi về nội dung liên quan tới việc tang và nơi an nghỉ của người quá cố, Chủ tịch UBND xã Tản Hồng Phương Văn Liểu cho biết: Trước đây, do nghĩa trang nhân dân của các thôn chưa được quản lý chặt chẽ, mộ hung táng xen kẽ mộ cải táng. Nhân dân xây mộ cho người thân theo nhiều hướng, kích thước không thống nhất. Thực tế này không chỉ gây tốn kém về quỹ đất sản xuất mà còn tạo nên sự lộn xộn về quy hoạch, ảnh hưởng cảnh quan môi trường…

Trước tình hình trên, xã đã họp dân và thống nhất quy hoạch nghĩa trang theo hai vùng: Hung táng và cải táng. Vùng hung táng được bố trí xa khu dân cư, bố trí khu vực thiêu hủy áo quan... Vùng cải táng được quy hoạch xây dựng mộ theo hướng, kích thước, mẫu thống nhất, có đánh số mộ, dãy mộ. Các nghĩa trang này đều có hệ thống tường bao, cấp thoát nước, đường đi, hàng lối mộ. Trưởng các thôn được giao phụ trách việc xây dựng mộ sẵn. Kinh phí xây mộ được lập, thông qua nhân dân trong thôn và báo cáo để UBND xã phê duyệt. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có hơn 1.000 ngôi mộ, trước đây được chôn cất rải rác ở nhiều xứ đồng, đã được đưa vào nghĩa trang nhân dân kiểu mới. Thực hiện việc tang văn minh, xã đã mời các chức sắc tôn giáo tuyên truyền để nhân dân tự nguyện đưa người quá cố đi hỏa táng. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có 70% số người quá cố được đưa đi hỏa táng và được đưa vào phần mộ xây dựng trong nghĩa trang nhân dân theo mô hình mới.

Kim Nhuệ