Cơ hội cho hòa bình Trung Đông
Thế giới - Ngày đăng : 07:01, 14/05/2017
Tổng thống Palestine M.Abbas (trái) và Tổng thống Nga V.Putin tại cuộc họp báo ở khu nghỉ dưỡng Sochi, Nga. |
Trong chuyến thăm trước đó của nhà lãnh đạo Palestine tới Washington, ông đã đạt được thành công quan trọng khi kết giao với nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump và nhận được lời cam kết của ông chủ Nhà Trắng về việc phối hợp tiến tới thỏa thuận hòa bình Trung Đông. Tương tự như vậy, trong chuyến thăm Nga vừa kết thúc, quan hệ song phương cũng như những nỗ lực giải quyết cuộc xung đột kéo dài lâu năm giữa Palestine và Israel là nội dung chính trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống M.Abbas và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Có thể thấy, trong bối cảnh Mỹ dù đã cởi mở hơn trong việc đối thoại với Palestine nhưng vẫn thiên về bảo toàn quan hệ mật thiết với Israel, ông M.Abbas hy vọng qua chuyến thăm Mátxcơva sẽ có được sự hậu thuẫn của Nga, bên cạnh các nước Arab nhằm tháo gỡ bế tắc và thúc đẩy các giải pháp hòa bình. Đối với Tổng thống M.Abbas, sự ủng hộ của Nga là cực kỳ quan trọng khi Mátxcơva luôn chủ trương thúc đẩy giải pháp hai nhà nước trong khi Mỹ dường như không chắc chắn ủng hộ lựa chọn này.
Điều đó thể hiện rõ sau cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về nghị quyết lên án chính sách xây dựng các khu định cư của Israel ở Bờ Tây và Đông Jerusalem hồi cuối năm 2016. Nga đã bỏ phiếu ủng hộ văn bản này, một hành động phản ánh quan điểm chung của cộng đồng quốc tế và đã nhiều lần khẳng định sự phản đối các hành động xây dựng bất hợp pháp của Israel trên lãnh thổ Palestine.
Quan điểm đó được Tổng thống V.Putin nhắc lại một lần nữa trong cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Palestine rằng, Nga ủng hộ giải pháp hai nhà nước trong giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine. Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh sự cùng tồn tại hòa bình giữa Israel và Palestine là điều kiện tiên quyết cho một nền an ninh và ổn định thực sự tại Trung Đông. Theo người đứng đầu nước Nga, điều này cần phải đạt được thông qua đối thoại trực tiếp giữa hai nước và thông qua luật pháp quốc tế.
Rõ ràng, Mátxcơva đang muốn tạo thuận lợi cho tiến trình hòa giải giữa Tel Aviv và Ramallah. Để làm việc này, vào tháng 1 năm nay, Nga đã đón nhiều phái đoàn Palestine và đạt được một văn bản do tất cả các phe phái Palestine ký kết. Mặt khác, Nga tuyên bố sẵn sàng tổ chức một hội nghị quốc tế nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ này.
Jerusalem hiện vẫn nằm ở tâm điểm cuộc tranh chấp giữa Israel và Palestine. Trong cuộc chiến tranh kéo dài 6 ngày năm 1967, Israel đã chiếm hoàn toàn lãnh thổ Jerusalem và tuyên bố đây là thủ đô của mình. Điều này không được cộng đồng quốc tế thừa nhận và không có đại sứ quán nước ngoài nào đóng ở Jerusalem. Hiện có khoảng 27 vạn người Palestine sống ở phần Đông Jerusalem với triển vọng thiết lập khu vực này thành thủ đô tương lai của một đất nước Palestine độc lập.
Trong khi đó, cuộc đàm phán giữa Tel Aviv và Ramallah bị đóng băng 3 năm qua do Israel tiếp tục xây dựng hàng nghìn nhà định cư ở bên trong và xung quanh Đông Jerusalem cũng như các vùng đất chiếm đóng của người Palestine tại Bờ Tây bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế, trong đó có cả Mỹ.
Do vậy, cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Nga tại Sochi của Tổng thống M.Abbas một mặt là để người đứng đầu Điện Kremlin mở rộng tầm ảnh hưởng của Mátxcơva trong vấn đề hòa bình Trung Đông sau sự thành công của Nga ở các hồ sơ về Iran, Syria. Mặt khác, đây cũng là cơ hội đẩy mạnh những nỗ lực đưa Palestine - Israel ngồi vào bàn đàm phán, từng bước chấm dứt cuộc chiếm đóng duy nhất còn lại trên thế giới, xây dựng một nền độc lập chính đáng cho người Palestine và mang đến hòa bình lâu dài cho khu vực Trung Đông nóng bỏng.