Cảm nhận lòng khoan dung và sự tôn trọng

Văn hóa - Ngày đăng : 07:58, 14/05/2017

(HNM) - Liên hoan Phim Châu Âu năm 2017 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15 đến 27-5, tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 13 đến 26-5, và lần đầu tiên được tổ chức tại TP Huế (từ ngày 14 đến 25-5).

Cuộc săn lùng (Phim Đan Mạch) là một trong những bộ phim được lựa chọn chiếu tại Liên hoan phim Châu Âu 2017.


Điểm mới của Liên hoan Phim Châu Âu lần thứ 18 - năm 2017 tại Việt Nam là việc tập trung cho chủ đề về lòng khoan dung và sự tôn trọng. "Đây là những yếu tố cơ bản cho những xã hội hạnh phúc và là giá trị trung tâm trong văn hóa Châu Âu. Chúng tôi thấy được vẻ đẹp đó trong xã hội Việt Nam cũng như sự yêu quý những phẩm chất ấy ở các bạn, nên đã đem đến các bộ phim mang nội dung này", Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Đại sứ Bruno Angelet chia sẻ.

Đến với Liên hoan Phim Châu Âu năm nay, khán giả sẽ được thưởng thức 15 bộ phim của Áo, Bỉ, Bulgaria, Czech, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hungary, Ireland, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh. Tại Hà Nội, bộ phim "Cuộc săn lùng" của điện ảnh Đan Mạch được chọn chiếu mở màn vào tối 15-5. Phim là hành trình tranh đấu của một người đàn ông 40 tuổi để tìm lại cuộc sống và nhân phẩm cho mình.

Lucas, 40 tuổi, vừa trải qua một cuộc ly hôn đầy khó khăn với mong muốn làm lại cuộc đời, nhưng xuất hiện một lời nhận xét tưởng chừng vô hại khiến cộng đồng nghĩ sai về anh, dẫn đến một cuộc săn lùng đau đớn. Phim đã đoạt 35 giải thưởng quốc tế và được đề cử giải Oscar năm 2014 dành cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Gương mặt điện ảnh nổi tiếng thế giới Mads Mikkelsen được trao giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Cannes 2012 cho vai Lucas của bộ phim này.

Tác phẩm mở màn sẽ lấy được sự cảm thương của khán giả, tương tự như nhiều phim tiếp theo. Chẳng hạn như tác phẩm "Con trai của Saul" (Hungary) đoạt giải Oscar 2016 và Quả cầu vàng 2016 dành cho Phim nước ngoài hay nhất, giải Sprit Award dành cho Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim quốc tế 2016. Đó là câu chuyện xúc động về tình cha con trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Khi làm việc tại một lò thiêu, Saul phát hiện ra xác chết của một cậu bé - chính là con trai mình. Anh đã làm một việc tưởng chừng không thể: Cứu thi thể đứa trẻ khỏi bị hỏa thiêu và thực hiện một tang lễ cho con theo nghi thức truyền thống. Tình cảm và những nỗ lực đáng trân trọng của Tom - một người lùn - dành cho con trai Michael - một đứa trẻ từng sống trong nhà tình thương và mơ ước về gia đình đầy đủ hạnh phúc - trong bộ phim "Ngang tầm mắt" (điện ảnh Đức) để lại xúc cảm ngọt ngào cho người xem sau khi phim kết thúc.

Còn bộ phim độc đáo của Pháp "Tôi, bản thân mình và mẹ" khiến khán giả không khỏi thán phục về tài năng của Guilaume Gallienne khi ông vừa viết kịch bản, vừa là đạo diễn, đồng thời đóng cả hai vai - nhân vật chính và người mẹ. Mối quan hệ xung khắc mang tính bi hài của hai mẹ con và sự bao dung của người mẹ được thể hiện chân thật đến mức giới phê bình điện ảnh thế giới phải ca ngợi "Phim mà như cuộc sống", đồng thời đem đến cho Gallienne 5 giải César.

Thông điệp về sự tôn trọng nhau trong cộng đồng cho dù hoàn cảnh, thân phận khác biệt được thể hiện trong nhiều bộ phim dự liên hoan lần này. "Người tốt" (Thụy Điển) kể về một doanh nhân địa phương sẵn sàng đứng ra làm "cầu nối" để một nhóm thanh niên trẻ chạy trốn khỏi chiến tranh, dừng bước tại một thị trấn nhỏ, có thể nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng.

Còn "Hơi thở" của điện ảnh Áo chỉ ra rằng, mỗi người sinh ra đều có sứ mệnh riêng. Roma Kogler - một tù nhân vị thành niên được phép ra ngoài làm việc vào ban ngày và anh đã chứng minh mình vẫn có ích cho cuộc đời khi được cộng đồng mở lòng. Những tình cảm tốt đẹp trong mỗi người sẽ được khơi gợi và cổ vũ khi họ theo dõi các bộ phim xuất sắc khác như "Nhật ký trong bóng tối" (Anh), "Đã đến lúc chết" (Ba Lan), "Kim cương đen" (Tây Ban Nha), "Đôi cánh nhỏ" (Phần Lan)…

Tại Hà Nội, các phim sẽ được chiếu ở Trung tâm Chiếu phim quốc gia (87 Láng Hạ). Vé mời miễn phí được phát tại Viện Goethe Hà Nội (56-58 Nguyễn Thái Học), Hội đồng Anh (20 Thụy Khuê), Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền).

Thụy Du