Nhìn từ dự án chợ Ngã Tư Sở
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:04, 14/05/2017
“Chìm nổi” một dự án...
Chợ Ngã Tư Sở được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1987 gồm bốn nhà kho mái tôn chia làm bốn khu vực kinh doanh quần áo; công nghệ phẩm; giày dép và vải. Chợ có diện tích trên 8.000m2 với 754 hộ kinh doanh cố định. Qua 30 năm, các dãy ki ốt, các dãy nhà mái lợp tôn đã xuống cấp trầm trọng không đáp ứng được nhu cầu kinh doanh buôn bán của bà con tiểu thương, gây khó khăn cho quản lý nhất là công tác phòng cháy chữa cháy... Thực trạng này khiến các hộ kinh doanh thưa vắng dần, hiện nay số thường xuyên “bám” chợ chỉ còn chưa đến 300 hộ.
Chợ Ngã Tư Sở hiện xuống cấp nghiêm trọng. |
8h sáng 11-5-2017, khi chúng tôi có mặt tại đây, rất nhiều ki ốt ngay mặt tiền đẹp nhất khu chợ vẫn chưa mở cửa. Sau trận mưa đêm trước, đường đi lối lại trong chợ lênh láng nước, nền gạch nứt vỡ lầy lội... Bên trong khung cảnh còn đìu hiu hơn khi không có mấy ki ốt sáng đèn. Biển sang nhượng hay thông báo đóng cửa nhan nhản, treo lủng lẳng trên những thanh sắt hoen gỉ giăng đầy mạng nhện...
Từ năm 2009, thành phố đã có chủ trương đầu tư xây dựng lại chợ Ngã Tư Sở nhưng quá trình thực hiện gặp một số vướng mắc như: Ảnh hưởng đến kiến trúc đô thị và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hạn chế chiều cao công trình, đồng thời phát sinh khiếu kiện của một số tiểu thương… Ngày 1-8-2014, UBND thành phố đã có Quyết định 4095/QĐ-UBND thu hồi Quyết định số 98/QĐ-UBND ngày 8-1-2009 phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng Trung tâm thương mại - chợ Ngã Tư Sở của Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh tài sản Việt Nam...
Để tháo gỡ khó khăn, thành phố đã giao cho quận Đống Đa nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư theo mô hình chợ dân sinh... Thực hiện Thông báo số 464/TB-UBND ngày 23-11-2016 của UBND TP Hà Nội về công tác quản lý, đầu tư, phát triển chợ trên địa bàn thành phố; thông báo số 83/TB-VP ngày 7-4-2017 của Văn phòng UBND TP Hà Nội về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản tại cuộc họp về công tác quản lý, đầu tư phát triển chợ trên địa bàn thành phố; UBND quận Đống Đa thống nhất đề xuất phương án đầu tư xây dựng chợ Ngã Tư Sở có quy mô 3 tầng và 1 tầng hầm bằng nguồn vốn ngân sách.
Gần đây nhất, ngày 4-5-2017, UBND quận Đống Đa tiếp tục tổ chức họp về phương án xây dựng chợ Ngã Tư Sở. Tại cuộc họp, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã cơ bản đồng ý với quy mô đầu tư xây dựng quận đề xuất.
Hiện UBND quận đang hoàn thiện báo cáo, trình UBND thành phố trước ngày 15-5-2017.
Lựa chọn mô hình quản lý phù hợp
Những vướng mắc của dự án xây dựng chợ Ngã Tư Sở trong 8 năm qua đã biến một khu chợ sầm uất, nhộn nhịp vào bậc nhất nhì thành phố trở nên xuống cấp, đìu hiu, gây lãng phí hàng nghìn mét vuông “đất vàng”. Việc mô hình đầu tư dự án Trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống nay chuyển sang đầu tư chợ dân sinh bằng nguồn ngân sách nhà nước đã được dư luận đánh giá là phù hợp tình hình thực tế, nhất là khi khu vực này đã có hệ thống siêu thị, nhà hàng trong Khu đô thị Royal City. Bên cạnh đó, sự kết hợp mô hình trung tâm thương mại với chợ truyền thống thực hiện ở một số chợ sau khi cải tạo như chợ Cửa Nam, chợ Mơ, chợ Hàng Da… cũng đang trong cảnh đìu hiu vắng khách.
Qua thực tế hoạt động của 11 chợ trên địa bàn, ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ - cho biết: Với mô hình Ban quản lý (BQL) chợ trực thuộc quận thì sự phối hợp với các đơn vị liên quan được thực hiện linh hoạt và chủ động. Còn đối với mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã, trách nhiệm của các chủ đầu tư được giao quyền quản lý, kinh doanh, khai thác chợ không thực hiện theo đúng cam kết. Trong khi đó, với mô hình BQL chợ trực thuộc UBND quận Ba Đình, chợ Long Biên được đánh giá là chợ đầu mối hoạt động hiệu quả, sầm uất cả ngày lẫn đêm.
Ông Đàm Đình Dũng, Trưởng BQL chợ Long Biên cho biết, để thực hiện tốt công tác quản lý vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, BQL chợ đã tuyên truyền và hướng dẫn các hộ kinh doanh ngành hàng thủy hải sản, ăn uống khám sức khỏe định kỳ theo quy định; phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản và Phòng Kinh tế quận Ba Đình lấy mẫu rau, củ, quả và thủy, hải sản xét nghiệm định kỳ; phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh như phun hóa chất xử lý môi trường...
Trong đợt khảo sát tình hình hoạt động các chợ trên địa bàn Thủ đô vào tháng 4-2017, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội cho rằng, các địa phương cần nghiên cứu quy hoạch, chuyển đổi mô hình đầu tư phát triển chợ mang tính khả thi. Đối với các địa điểm đã có phương án phát triển mô hình trung tâm thương mại kết hợp với chợ, cần nghiên cứu triển khai dựa trên thực tế địa bàn, tránh đi vào “vết xe đổ” của một số quận sau khi xây dựng trung tâm thương mại kết hợp với chợ dân sinh lại vắng vẻ cả người bán lẫn người mua, gây lãng phí.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng khẳng định, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ là đòi hỏi tất yếu, càng làm sớm càng tốt. Các quận, huyện cần khảo sát ý kiến người dân tại từng khu vực và phối hợp giữa các đơn vị liên quan để có cơ sở, căn cứ nhằm sớm chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động của chợ; phát triển chợ theo hướng “chợ văn minh”.