Tăng kiểm tra, tăng trách nhiệm

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:49, 15/05/2017

(HNM) - Không khó để chỉ ra một trong những cản trở lớn nhất đối với quá trình xây dựng nền nông nghiệp


Gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe cộng đồng và sản phẩm làm ra bị tẩy chay. Với nền sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ lẻ, lạc hậu, ở không ít địa phương có tình trạng không chịu... thay đổi tập quán canh tác, nuôi trồng khi vẫn tùy tiện, bừa bãi, lạm dụng vật tư đầu vào...

Vì sao có nghịch lý, nhiều người dù được tập huấn về sản xuất an toàn, được tuyên truyền về khoa học, kỹ thuật… nhưng lại không muốn thay đổi thói quen? Vì sao nhiều người biết cái lợi lâu dài của sản xuất "sạch" nhưng vẫn đứng ngoài cuộc?

Thực tế, thời gian qua, ở nhiều nơi, người nông dân vẫn sử dụng vật tư không rõ nguồn gốc, sử dụng nhầm phải sản phẩm chất lượng kém hoặc bị làm giả… Trong khi đó, chính quyền cơ sở ở nhiều nơi, nhiều lúc không có sự quan tâm thích đáng… Thực trạng này khiến điệp khúc “kiểm tra ra vi phạm” chưa có điểm dừng. Pháp luật không thiếu các quy định để xử lý vi phạm, nhưng vì nhân lực mỏng, thiếu biện pháp quyết liệt nên vi phạm bị bỏ ngỏ.

Ở khía cạnh khác, với vật tư đầu vào bảo đảm, lại có hiện tượng sử dụng không đúng "chỉ định", tức là tùy tiện, bừa bãi, thậm chí lạm dụng. Thực trạng này đặt ra nhiều vấn đề, trong đó đáng quan tâm là: Phải chăng cần thường xuyên khảo sát, điều tra xem thị trường vật tư nông nghiệp, ở vùng này cần sản phẩm gì, ở khu vực khác cần loại nào...? Người nông dân được tiếp cận các loại vật tư nông nghiệp có bảo đảm chất lượng hay không? Các nhà sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp đã có mối liên kết ra sao với nông dân...?

Không khó để chỉ ra nguyên nhân nhưng thực sự khó để chỉ ra giải pháp hiệu quả, kịp thời! Việc hình thành sản xuất theo chuỗi là hướng đi để lập lại trật tự trong sản xuất nông sản, thực phẩm. Chúng ta sẽ nhanh đạt được cái đích này nếu trước tiên, vật tư nông nghiệp (thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật...) - những loại vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp được kiểm soát chặt chẽ. Chính các cấp, các ngành chức năng cần có sự liên kết hiệu quả. Sự liên kết đó bao gồm cả phối hợp và phân định trách nhiệm rõ ràng.

Đặc biệt, chính quyền cơ sở là cấp gần người sản xuất, kinh doanh vật tư, có điều kiện kiểm tra, giám sát, nắm rõ mọi hoạt động của các cơ sở trên địa bàn phải tăng cường trách nhiệm hơn nữa. Bên cạnh đó, việc kiểm tra thị trường, những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu vật tư nông nghiệp cũng cần gắt gao hơn. Và điều quan trọng, phải thực hiện bền bỉ, có chiều sâu, đó là tuyên truyền để người dân có nhận thức đúng về sản xuất an toàn, từ đó quyết tâm thay đổi tập quán vừa lạc hậu, vừa bừa bãi, tùy tiện lâu nay.

Chỉ thị số 15/CT-TTg về giải pháp cấp bách trong quản lý vật tư nông nghiệp của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành đặt ra những vấn đề "nóng", đầy tính thời sự, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị hữu quan, chính quyền địa phương phải thực hiện với trách nhiệm cao nhất. Bên cạnh đó, chính các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp chân chính cũng phải có trách nhiệm, góp tiếng nói cùng cơ quan chức năng đấu tranh với nạn hàng giả, hàng nhái...

Minh Thúy