Bài đầu: Tùy tiện sử dụng vật tư nông nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 06:48, 15/05/2017

(HNM) - LTS: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản xuất nông sản, thực phẩm tồn tại nhiều bất cập lâu nay là công tác quản lý vật tư nông nghiệp chưa chặt chẽ, đặc biệt là thói quen, tập quán sản xuất của người dân ở không ít địa phương còn... bừa bãi, thiếu khoa học mà một trong những biểu hiện là lạm dụng hoặc tùy tiện sử dụng vật tư đầu vào.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở cung cấp phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Dương Giang – TTXVN


Những hệ lụy nghiêm trọng dai dẳng phát sinh từ đó cho thấy, không thể hướng tới một nền "nông nghiệp sạch" đúng nghĩa nếu người nông dân không sớm thay đổi tập quán sản xuất.

Thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng đã tăng cường kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp nhưng vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn “tuồn” về nông thôn, đánh vào tâm lý ham rẻ của nông dân. Hậu quả dường như nhân đôi bởi lẽ tại không ít địa phương, nhiều người dân vẫn thiếu ý thức và tùy tiện sử dụng vật tư nông nghiệp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nông sản.

Ngại thực hiện sản xuất "sạch"

Thực tế, hiện nay phần lớn hộ nông dân đều sản xuất nhỏ lẻ nên có hiện tượng xảy ra ở không ít địa phương là ngại thực hiện quy trình sản xuất "sạch", ngại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật... để cung cấp nông sản cho siêu thị, cửa hàng an toàn. Điển hình về tình trạng này có thể kể đến xã Vạn Thắng - một khu vực lâu nay được coi là vựa thủy sản của huyện Ba Vì, với hơn 100ha nuôi trồng.

Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng Phùng Văn Điền thừa nhận: Dù có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhưng xã vẫn chưa kiểm soát được việc dùng hóa chất, thuốc thú y của các hộ dân. Nguyên nhân chủ yếu là xã chỉ có 2 cán bộ thú y và bảo vệ thực vật (BVTV) làm công tác giám sát về an toàn thực phẩm. Trong khi đó, quy mô sản xuất của các hộ đều nhỏ lẻ, phân tán nên rất khó quản lý.

Chung nhận định này, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ) Nguyễn Văn Đức cho biết: Mặc dù thị trấn đã tuyên truyền cho nông dân hiểu về tác hại của việc dùng quá liều thuốc BVTV, đặc biệt là đối với rau màu nhưng họ vẫn "bỏ ngoài tai" và sử dụng theo thói quen, dẫn tới nông sản tồn dư lượng thuốc BVTV, kim loại nặng vượt ngưỡng... Hơn nữa, với tập quán canh tác và kiểu "đối phó" của nông dân, chính quyền địa phương không thể giám sát "tận gốc" quy trình sản xuất, từ khâu giống đến chăm sóc, nuôi trồng... nên chất lượng nông sản gần như bị "bỏ ngỏ"...

Cùng với thói quen sử dụng tùy tiện của nông dân, các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp cũng chạy theo lợi nhuận, bán hàng kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc. Hậu quả là rõ ràng. Đơn cử, huyện Ba Vì hiện vẫn chưa xây dựng được chuỗi nông sản, thực phẩm an toàn mà nguyên nhân chính là chưa kiểm soát được chất lượng vật tư nông nghiệp đầu vào.

Lý giải về điều này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Ngô Vi Khả cho biết: Huyện có 38 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhưng chỉ 10 cơ sở đạt yêu cầu, còn lại đều buôn bán nhỏ lẻ, theo thời vụ, ở trong ngõ xóm, chưa đủ điều kiện kinh doanh, buôn bán.

Nguy hiểm hơn, một số hộ buôn bán vật tư còn chạy theo lợi nhuận, tư vấn cho nông dân sử dụng thuốc sai cách như phun kèm, phun gộp nhiều loại, vừa ảnh hưởng chất lượng sản phẩm vừa lãng phí... Mặc dù các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã xử phạt hành chính hàng chục triệu đồng, tịch thu nhiều mặt hàng vi phạm, tạm ngừng hoạt động, yêu cầu cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp khắc phục lỗi, nhưng vì lợi nhuận họ sẵn sàng chấp nhận nộp phạt và tiếp tục hoạt động lén lút...

“Công tác quản lý của chính quyền cấp xã về vấn đề này chưa được quan tâm đầy đủ. Nhiều địa phương chưa kiểm soát được hoạt động kinh doanh thuốc BVTV, phân bón nên tình hình ngày càng khó khăn” - ông Ngô Vi Khả nhận định.

Kiểm tra là ra sai phạm

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp tại một cơ sở.


Thực tế ở Hà Nội cho thấy, mặc dù thành phố đã phân cấp cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lý nhưng việc kiểm soát, giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp ở địa phương không được tổ chức thường xuyên, các vi phạm chưa được cảnh báo, phản ánh kịp thời để người dân biết. Theo Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Khắc Diến, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở đã kiểm tra, xử phạt 15 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp do không có đủ hóa đơn, chứng từ hoặc kinh doanh thuốc quá hạn, không có bảng niêm yết giá, gây "tù mù" với người tiêu dùng.

Nhìn rộng hơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT) Phùng Hữu Hào nhìn nhận: Tình trạng phổ biến hiện nay là trong khi người dân nhận thức chưa đầy đủ về yêu cầu sử dụng vật tư nông nghiệp đúng cách thì hầu hết chính quyền địa phương lại đứng "ngoài cuộc", thiếu quyết liệt trong giám sát tại ruộng và chuồng trại. Chính vì vậy, khi các ngành chức năng kiểm tra, hầu hết các hộ sản xuất đều vi phạm ở nhiều cấp độ...

Trong 3 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã xử phạt 18 trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, phân bón trên cả nước với số tiền 1,58 tỷ đồng. Đặc biệt, sau khi kiểm tra tại 29 tỉnh, thành phố phía Nam với 3.518 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, kết quả cho thấy 30% mẫu phân bón, 21% mẫu thức ăn chăn nuôi và 16% mẫu thuốc BVTV không đạt chất lượng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thuốc BVTV không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Việt nhận định: “Hiện nay, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp còn đối phó với cơ quan chức năng bằng cách ghi địa chỉ “ma” trên bao bì sản phẩm (doanh nghiệp đóng ở nơi này nhưng ghi địa chỉ sản xuất ở nơi khác). Vì vậy, khi phát hiện hàng kém chất lượng, cơ quan thanh tra gửi công văn đến địa chỉ ghi trên bao bì mới phát hiện doanh nghiệp không có thực, thậm chí đã giải thể nên rất khó xử lý”.

Một vấn đề đáng lo ngại nữa là tình trạng quảng cáo "thổi phồng" công dụng của các loại vật tư nông nghiệp xảy ra ở nhiều địa phương với diễn biến phức tạp và thủ đoạn tinh vi... Những yếu tố này khiến người nông dân bị "nhiễu" thông tin, khó có thể phân biệt thật - giả, ảnh hưởng xấu đến năng suất, chất lượng nông sản. Cũng vì thế, người nông dân phải chịu thiệt hại nhiều chiều, đồng thời vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra những nguy cơ với sức khỏe người tiêu dùng...

(Còn nữa)

Ngọc Quỳnh