Giải "bài toán" đối phó với truy xuất nguồn gốc thịt lợn

Kinh tế - Ngày đăng : 07:04, 15/05/2017

(HNM) - Thực tế chỉ chưa đến một nửa lượng thịt lợn đeo vòng nhận diện nhập vào TP Hồ Chí Minh được cập nhật thông tin đầy đủ, còn lại chỉ là hình thức.


Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn tại TP Hồ Chí Minh đã triển khai đến 777 cơ sở kinh doanh thuộc kênh phân phối hiện đại và 146 gian hàng tại 23 chợ truyền thống trên địa bàn. Đề án cũng phát triển thêm 44 cơ sở kinh doanh tại các tỉnh miền Đông - Tây Nam Bộ.

Sau 4 tháng thực hiện đề án, số lượng cơ sở chăn nuôi thực hiện đeo vòng nhận diện khi bán lợn hơi so với số đã đăng ký chỉ đạt 123/1.131 cơ sở (chiếm 11%). Số lượng lợn đeo vòng nhận diện đạt khoảng 365 nghìn con, trong đó hơn 251 nghìn con (chiếm 69%) được cơ sở chăn nuôi đeo vòng, còn lại hơn 114 nghìn con (chiếm 31%) do thương lái thực hiện.


Khi thực hiện đề án tại các cơ sở chăn nuôi, trong số các cơ sở đeo vòng nhận diện cho lợn, đa phần là các doanh nghiệp chăn nuôi có quy mô lớn, còn các cơ sở, tổ hợp chăn nuôi nhỏ lẻ khá dè dặt mặc dù được hưởng chính sách hỗ trợ 50% kinh phí mua vòng nhận diện. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh) cho biết, trong tổng số 123 cơ sở chăn nuôi thực hiện đeo vòng, số hộ, tổ hợp chăn nuôi có 43 cơ sở (chiếm 35%) nhưng chỉ cung cấp hơn 17 nghìn con (chiếm 7%).

Ngoài ra, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc tại các chợ đầu mối nhập lợn hơi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đang vấp phải nhiều khó khăn. Tại chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn), đầu tháng 3-2017, 100% thịt lợn nhập vào chợ được đeo vòng nhận diện thì đến nay chỉ còn khoảng 50%. Trong số đó, chỉ khoảng 20% có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc.

Theo đại diện chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), 113 thương nhân đều đăng ký tham gia đề án. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ đề án chưa được thực hiện tại nguồn cung thịt lợn lớn nhất của chợ Bình Điền là tỉnh Long An nên hầu hết thịt lợn nhập về không có vòng nhận diện.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh) cho biết, thời gian gần đây do giá lợn hơi giảm mạnh, việc đeo vòng nhận diện cũng giảm theo. 89% số lợn nhập về các cơ sở giết mổ tại thành phố có đeo vòng nhận diện, trong đó chỉ 45% đeo vòng nhận diện là có đầy đủ thông tin truy xuất. Số còn lại chỉ đeo vòng nhận diện mang tính đối phó, không được cập nhật thông tin đầy đủ từ trang trại đến cơ sở giết mổ.

Để bảo đảm tiến độ thực hiện đề án, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần phối hợp với các tỉnh có nguồn cung vận động cơ sở tham gia đề án có trọng điểm, trong đó tập trung vào các trang trại lớn. Việc này có nhiều lợi ích như thương lái phải đến các trang trại để lấy thịt lợn đạt chuẩn VietGAP, đồng thời tạo thế chủ động, thúc đẩy quá trình thay đổi trong lĩnh vực chăn nuôi cho các trang trại.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố sớm tham mưu cho UBND thành phố quy định về áp dụng tem truy xuất và chứng nhận chung, tránh tình trạng tràn lan, mạnh ai nấy làm, thậm chí lợi dụng để hợp thức hóa thực phẩm không an toàn. Tại 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền, hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc nếu không có vòng nhận diện thì không cho nhập vào chợ, nhưng phải hạn chế dần thịt lợn vào chợ đầu mối không có vòng nhận diện cũng như có vòng mà không có thông tin.

Tiến Thành