Khai mạc phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIV)

Chính trị - Ngày đăng : 17:36, 15/05/2017

Sáng 15-5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã khai mạc phiên họp thứ 10.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV tiến hành trong ba ngày (từ 15 đến 17-5) để xem xét hoàn tất các công việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa XIV; quyết định về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ ba và cho ý kiến về các nội dung sẽ trình bày tại Kỳ họp thứ ba.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về: việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 3) dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; cho ý kiến (lần 2) về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và quyết toán ngân sách nhà nước 2015.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào; việc phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về: báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016, đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội; Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành Tiểu dự án để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV cho ý kiến về việc cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Võ Kim Cự, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)


Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng.

Tiếp theo, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 của Chính phủ đã nêu bật tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, trong đó khẳng định hầu hết các ngành công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng khá, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành xây dựng. Khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Ngành nông nghiệp phục hồi nhanh nhờ sự nỗ lực của toàn ngành và các địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn.

Tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017 đã có nhiều cải thiện. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2017 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức bình quân của quý I (4,96%), lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm 2017 tăng 1,62% so với bình quân cùng kỳ. Sản xuất, kinh doanh đã có chuyển biến tích cực so với quý I, trong đó: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục đà phục hồi, nhưng một số ngành vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó có ngành nông nghiệp với tình hình sâu bệnh, giá thịt lợn giảm sâu, dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát...

Công nghiệp tăng trưởng tiến bộ hơn quý I; chỉ số IIP toàn ngành 4 tháng tăng 5,1%, cao hơn mức tăng trưởng của quý I (4,1%) nhưng thấp hơn so với cùng kỳ (7,4%). Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng tưởng cao. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng ước tăng 9,6% so với cùng kỳ. Du lịch có bước khởi động vào mùa khá tốt, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, tổng lượng khách quốc tế 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 4,3 triệu lượt khách, tăng 32% so với cùng kỳ.

Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện. Tính chung 4 tháng đầu năm 2017, cả nước có thêm 39.580 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 369,6 nghìn tỷ đồng, tăng 14% về số doanh nghiệp và tăng 48,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học-công nghệ, lao động-việc làm, an sinh xã hội, y tế, văn hóa, thể dục-thể thao, thông tin truyền thông cũng đều có những chuyển biến tích cực. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 cơ bản hoàn thành. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã bắt đầu hình thành và đang phát triển nhanh. Thị trường khoa học và công nghệ tiếp tục được thúc đẩy phát triển. Giải quyết việc làm đạt 31,7% kế hoạch năm... Chính sách bảo hiểm y tế, chính sách nhà ở xã hội, chính sách người có công được đẩy mạnh triển khai.

Tại kỳ họp thứ 2, trên cơ sở kết quả thực hiện 9 tháng, Chính phủ đã báo cáo ước thực hiện cả năm 2016. Đến nay, kết quả đánh giá lại cho thấy không có sự thay đổi nhiều so với số liệu Chính phủ đã báo cáo. Trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội có 11 chỉ tiêu đạt và vượt, có hai chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu.

Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến các Ủy ban của Quốc hội cũng như các ý kiến phát biểu tại Phiên họp để hoàn thiện báo cáo trình ra Quốc hội.

Về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách năm 2016, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội và dự toán về cơ bản hoàn thành. Các số liệu không có thay đổi lớn. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ hơn các nguyên nhân cũng như vấn đề khác đã được nêu trong báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, các ý kiến đã nêu trong phiên họp. Đó là vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp còn thấp, vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, vấn đề phát triển kinh tế trong nông nghiệp, vấn đề nông thôn, lao động việc làm, xác định thêm số hoàn thuế giá trị gia tăng cho chính xác, tăng cường hơn nữa công tác quản lý ODA...

Thường vụ Quốc hội lưu ý Chính phủ phần đánh giá về văn hóa-xã hội, vấn đề chất lượng cuộc sống, vấn đề giáo dục, y tế, quốc phòng-an ninh, vấn đề đối ngoại, nhất là vấn đề an ninh mạng, quản lý đất đai. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, những nội dung này cần được nêu tương xứng trong báo cáo của Chính phủ; cần làm rõ thêm trách nhiệm của bộ máy Nhà nước cũng như hệ thống chính trị trong triển khai các nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2016.

Về triển khai Nghị quyết của Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ 4 tháng đầu năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những cố gắng của Chính phủ trong điều hành, trong phân giao và triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm. Có thể nói rằng, tình hình kinh tế vi mô, tăng trưởng kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác quản lý ngân sách, quản lý tài sản công có nhiều chuyển biến rõ nét.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cần lưu ý tình hình triển khai một số nhiệm vụ, dự án quan trọng còn chậm như: đường cao tốc Bắc-Nam; dự án chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn chưa có hồ sơ để trình lên Quốc hội. Việc phân bổ chi tiết vốn đầu tư công trung hạn vẫn còn chậm và có thể ảnh hưởng đến việc triển khai nhiệm vụ của năm 2017.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần làm sâu sắc và rõ hơn đến những vấn đề liên quan đến bối cảnh quốc tế, cũng như trong nước về những thuận lợi, khó khăn để có thể thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2017, cụ thể gồm: cần đánh giá thêm những tác động của tình hình quốc tế liên quan đến xu thế bảo hộ xuất hiện, tình hình biến đổi khí hậu tác động đến nền kinh tế Việt Nam như thế nào.

Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với hai nhóm giải pháp của Chính phủ, song đề nghị cần làm rõ thêm các nội dung, gồm tăng thêm sản lượng dầu trong khi giá dầu giảm và số thu từ ngân sách từ dầu không chiếm tỷ trọng lớn và chiếm tỷ trọng chủ yếu của ngân sách nhà nước; việc tháo gỡ, xử lý những khó khăn trong nông nghiệp, nhất là giải cứu những sản phẩm nông nghiệp, trong xử lý các dự án công nghiệp đang gặp khó khăn; cần làm rõ những giải pháp để triển khai Nghị quyết 05 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vấn đề doanh nghiệp nhà nước, về thành phần kinh tế tư nhân và vấn đề đất đai gắn với ổn định xã hội; đánh giá sâu sắc hơn về tình hình doanh nghiệp....

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Chính phủ cần chú ý đến cải cách thủ tục hành chính, giảm mạnh các thủ tục cản trở, phiền hà và gây lãng phí cho doanh nghiệp và người dân, trong đó cần chú ý đẩy nhanh hơn việc kê khai thuế điện tử; cần làm rõ hơn các giải pháp liên quan đến vấn đề văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, việc làm, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân cũng như công tác quốc phòng - an ninh và đối ngoại; đề nghị Chính phủ làm rõ hơn những nhiệm vụ, trong đó xây dựng Chính phủ phục vụ, nêu cao trách nhiệm của bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện nhiệm vụ, nhất là ở cấp cơ sở.../.  

Theo TTXVN/Vietnam+