Ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết tại ký túc xá Trường Đại học Luật Hà Nội

Xã hội - Ngày đăng : 16:07, 16/05/2017

(HNMO) - Từ đầu năm đến ngày 15-5 toàn thành phố đã ghi nhận 669 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2016)...

Mới đây, tại ký túc xá của Trường Đại học Luật Hà Nội cũng xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) với 11 trường hợp mắc bệnh.

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội giám sát, tìm ổ bọ gậy tại khu vực ký túc xá Trường Đại học Luật Hà Nội.


Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, quận Đống Đa là nơi ghi nhận số lượng mắc SXH cao nhất. Từ đầu năm đến nay, tại đây ghi nhận 165 ca mắc SXH ở 18 phường và xác định được 37 ổ dịch ở 13 phường. Số mắc tăng gấp 3 lần, số ổ dịch tăng 1,85 lần so với cùng kỳ năm 2016. Riêng ổ dịch SXH tại ký túc xá Trường Đại học Luật được Trung tâm Y tế dự phòng quận Đống Đa phát hiện ngày 26-4. Đến ngày 3-5, tại đây đã ghi nhận 11 trường hợp mắc. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã phun hoá chất xử lý ổ dịch, vệ sinh môi trường. Từ ngày 4-5 đến 16-5, ổ dịch SXH ở Trường Đại học Luật Hà Nội cũng đã ổn định, không phát sinh thêm ca bệnh. Ngoài ra, tại phường Khương Thượng cũng ghi nhận ổ dịch SXH tại ngõ 95 Chùa Bộc và ngõ 354 Trường Chinh với tổng số bệnh nhân đến thời điểm hiện tại là 10 người.

Cũng theo ông Hoàng Đức Hạnh, tính đến ngày 16-5, có 95% bệnh nhân mắc SXH trên địa bàn Hà Nội được xuất viện. Các ca bệnh và ổ dịch được điều tra xử lý kịp thời, đúng quy định trong vòng 48 giờ. Nhờ đó, hạn chế được sự lây lan, kéo dài của ổ dịch. Tuy nhiên, ông Hoàng Đức Hạnh cho rằng, tại các quận nội thành, quá trình đô thị hóa nhanh với nhiều công trường xây dựng, nhiều khu vực giải tỏa bị bỏ hoang, thiếu người quản lý, kiểm tra; nhiều khu buôn bán phế liệu, thuê trọ; nhiều bể chứa nước bằng xi măng không có nắp đậy… là môi trường để bọ gậy, muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Bên cạnh đó, các dụng cụ chứa nước phát sinh bọ gậy ngày càng đa dạng trong các khu dân cư, từ lọ hoa, hòn non bộ, dụng cụ phế thải cho đến các khay, hộp trồng rau sạch, dụng cụ chứa nước để nuôi chim, gà, vịt… Trong khi đó, chỉ có 87% hộ gia đình tham gia vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và 71% hộ gia đình tham gia phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp từ năm này qua năm khác.

Kiểm tra thực tế tại khu ký túc xá của Trường Đại học Luật Hà Nội - nơi có 11 bệnh nhân mắc SXH, Đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội vẫn phát hiện ổ bọ gậy trong bể nước đã không sử dụng từ lâu tại một phòng ở của sinh viên. Phó Giám đốc Hoàng Đức Hạnh đã yêu cầu cán bộ y tế trường học tham mưu với Ban giám hiệu tổ chức mời sinh viên họp để thông báo về dịch bệnh và hướng dẫn các em vệ sinh để diệt bọ gậy, phòng bệnh SXH.

Ông Hoàng Đức Hạnh khẳng định, dịch SXH trên địa bàn quận Đống Đa cũng như trên toàn thành phố là dịch bệnh lưu hành do điều kiện môi trường, khí hậu, biến động dân cư. Mặt khác, mùa của dịch bệnh SXH diễn ra từ tháng 4 đến tháng 12 hằng năm. Vì vậy, để phòng chống SXH, ngành Y tế Thủ đô yêu cầu các quận, huyện, xã, phường phải chủ động phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này. Bởi hiện nay, SXH chưa có vắc xin phòng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. “Phòng chống dịch SXH chủ yếu vẫn phải dựa vào cộng đồng. Đặc biệt, cần nêu cao vai trò của chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh. Với những nơi được xác định là trọng điểm của dịch SXH, chính quyền cần tổ chức họp dân để thông báo tình hình dịch bệnh, khuyến cáo phòng chống dịch bệnh cho từng gia đình. Còn với lực lượng y tế cần tập trung giám sát bệnh nhân, giám sát chỉ số muỗi, bọ gậy, tìm ra ổ bọ gậy nguồn, xử lý triệt để và phun hóa chất, tỷ lệ phun phải cao mới có tác dụng phòng chống dịch bệnh”, ông Hoàng Đức Hạnh khuyến cáo.

Gia Phong