"Vành đai và Con đường": Tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác
Thế giới - Ngày đăng : 06:25, 16/05/2017
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” được Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ. |
Được đưa ra năm 2013 bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sáng kiến đem tới viễn cảnh rộng lớn về sự kết nối các nền kinh tế tại Châu Á, Châu Phi, Châu Âu và hơn thế nữa. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kế hoạch đầy tham vọng này là một phần câu trả lời mà Bắc Kinh dành cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn không bao gồm Trung Quốc. Khi hoàn thành, sáng kiến hứa hẹn tạo thành mạng lưới kinh tế thương mại bao trùm một khu vực rộng lớn với dân số lên tới 4,4 tỷ người, tiềm năng tạo ra giá trị thương mại hơn 2.500 tỷ USD chỉ trong vòng 1 thập kỷ.
Trong bài phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Trung Quốc cũng đã khẳng định “Vành đai và Con đường” sẽ "phục vụ cho lợi ích của tất cả các quốc gia”, đồng thời kêu gọi các nước tham gia đóng góp để chống lại chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cho biết kế hoạch này không phải để mở ra một tuyến đường hoàn toàn mới, mà thay vào đó sẽ kết nối một cách chiến lược các kế hoạch sẵn có, dựa trên nguyên tắc cùng thảo luận, cùng xây dựng, cùng chia sẻ.
Về tài chính, kế hoạch "Vành đai và Con đường" sẽ nhận những khoản đầu tư nhiều tỷ USD cho mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng. Trong đó, riêng Trung Quốc tới nay đã đóng góp khoảng 60 tỷ USD và dự kiến sẽ “chi” tới 124 tỷ USD cho các dự án liên quan tới sáng kiến trên trong tương lai. Cũng theo thông tin từ Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc, các dự án đầu tư ra nước ngoài của Bắc Kinh sắp tới sẽ tập trung tới các nước có tham gia vào kế hoạch đang được kỳ vọng này. Hơn 3 năm qua, chủ trương trên cũng đã được hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế hưởng ứng, ủng hộ.
Với vị trí là quốc gia dọc tuyến quan trọng trong chiến lược thế kỷ của Trung Quốc, Việt Nam đang có những thảo luận với quốc gia láng giềng về khả năng kết nối khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt Nam - Trung Quốc với sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Hợp tác "Hai hành lang, một vành đai" bao gồm hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ đã được lãnh đạo cao cấp hai nước thỏa thuận xây dựng. Đây là kế hoạch hợp tác nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của các địa phương mà sáng kiến này đi qua, đồng thời phát huy vai trò lan tỏa của nó đối với các địa phương khác thuộc Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc. Trong bối cảnh quan hệ hai bên ngày càng phát triển mạnh mẽ, diễn đàn lần này là sự kiện quan trọng trong quan hệ hai nước, là cơ hội để hai bên cùng nhau nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc tế, cùng phát triển và thịnh vượng, góp phần đẩy nhanh kết nối chiến lược phát triển giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
Tuy nhiên, dù được mô tả khá tích cực nhưng “Vành đai và Con đường” đang phải đối mặt với nhiều nghi ngại. Trong khi Trung Quốc mô tả "Con đường tơ lụa mới" là nỗ lực thực tâm nhằm chia sẻ những thành tựu phát triển kinh tế của nước này và tài trợ cho các khoảng trống hạ tầng, một số nước vẫn đang e ngại việc các doanh nghiệp của họ sẽ phải đối mặt với những trở ngại thiếu cụ thể của dự án. Tại Sri Lanka đã nổ ra những cuộc biểu tình công khai phản đối sáng kiến này. Mối đe dọa về an ninh cũng đang ảnh hưởng đến Hành lang kinh tế Pakistan - Trung Quốc, một phần quan trọng của “Vành đai và Con đường”. Sáng kiến này cũng chạy qua Kashmir, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Ấn Độ và Pakistan, khiến New Delhi phản đối việc nơi đây trở thành một phần của “Con đường tơ lụa mới”.
Những ví dụ trên cho thấy, để sáng kiến trở thành hiện thực, cả Trung Quốc cũng như các nước ủng hộ chủ trương kết nối sẽ còn phải vượt qua rất nhiều rào cản, trong đó có cả những quan điểm trái chiều về hợp tác quốc tế.