Chính phủ đã trả lời toàn bộ 3.119 kiến nghị của cử tri
Chính trị - Ngày đăng : 17:39, 16/05/2017
Chiều 16-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội.
Trình bày báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 2.073 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV của các đại biểu Quốc hội tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban Dân nguyện đã tổng hợp và chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết 3.320 kiến nghị của cử tri.
Các kiến nghị của cử tri đề cập đến mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội, từ những vấn đề hết sức cụ thể đang diễn ra có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân đến các vấn đề liên quan đến các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu ý kiến. |
Phần lớn các kiến nghị của cử tri là về công tác điều hành của Chính phủ, với 3.119/3.320 kiến nghị (chiếm 94%), tập trung chủ yếu vào 9 nhóm vấn đề: nông nghiệp, nông dân và nông thôn; giải quyết việc làm và an sinh xã hội; văn hóa, giáo dục, y tế; kế hoạch, tài chính; về sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường; giao thông vận tải, xây dựng; về tài nguyên và môi trường; tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính; về thanh tra, kiểm tra xử lý khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, mặc dù số lượng kiến nghị cử tri gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành là rất lớn (3.119 kiến nghị, kỳ trước chỉ là 856 kiến nghị), nhưng Thủ tướng Chính phủ, cácbBộ trưởng, trưởng ngành đã rất nỗ lực, tích cực trong việc nghiên cứu, tiếp thu và chỉ đạo giải quyết, trả lời cử tri. Toàn bộ 3.119 kiến nghị được trả lời, 94 văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành ngay trong thời gian giữa hai kỳ họp thứ 2 và thứ 3 của Quốc hội để kịp thời giải quyết những vấn đề mà cử tri tại nhiều địa phương quan tâm.
Đặc biệt, tại kỳ họp trước, có 4 vấn đề mà cử tri kiến nghị nhiều, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã lựa chọn để kiến nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo giải quyết, đã được Chính phủ chỉ đạo các bộ phụ trách lĩnh vực tích cực rà soát để giải quyết.
Cụ thể: về vấn đề vi phạm pháp luật và các biến tướng trong hoạt động bán hàng đa cấp; về tính ổn định của các phương án tổ chức thi tốt nghiệp PTTH và xét tuyển vào đại học, cao đẳng; về vấn đề quản lý và xử lý các sai phạm trong khai thác tài nguyên khoáng sản, chặt phá rừng trái phép; về vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có chính sách đột phá trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, vẫn còn có những giải pháp mà các bộ triển khai trong thời gian qua chưa thực sự phát huy hiệu quả, nên cử tri lại tiếp tục kiến nghị nhiều tại các buổi tiếp xúc cử tri của các Đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Chẳng hạn như vấn đề: thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiêp, hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản hay vấn đề quản lý việc khai thác tài nguyên khoáng sản, xử lý các vi phạm,…
Một số hạn chế của Chính phủ trong việc giải quyết các kiến nghị cử tri đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu tại báo cáo giám sát kỳ trước nhưng chậm được khắc phục. Có hiện tượng các Bộ quá chú trọng tới việc trả lời kiến nghị cử tri để tránh tồn đọng mà chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết, hoặc xây dựng lộ trình cụ thể để giải quyết các kiến nghị cử tri, dẫn đến một thực trạng đó là mặc dù số kiến nghị được trả lời là rất lớn nhưng chất lượng của việc trả lời kiến nghị của cử tri chưa cao (trong đó 68% kiến nghị được trả lời bằng việc cung cấp thông tin). Cá biệt, có văn bản trả lời cho xong trách nhiệm nên nội dung trả lời còn chưa đúng, chưa đầy đủ với câu hỏi mà cử tri nêu, chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Có những kiến nghị thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành nhưng do việc trả lời cử tri chưa thấu đáo nên cử tri không đồng tình với kết quả trả lời lại tiếp tục có kiến nghị tại các nhiều kỳ tiếp xúc cử tri tiếp theo, như: Trả lời của Bộ Giao thông Vận tải về thực hiện dự án cao tốc đoạn Bắc Giang – Lạng Sơn và dự án nâng cấp QL4 đoạn nối Hà Giang đi Lào Cai (thi công dở dang từ năm 2009); Trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định để giải quyết vướng mắc về đầu tư, kinh doanh tạo sự liên thông giữa các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu và môi trường; Trả lời của Bộ Nội vụ về việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra các sai phạm tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách; về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ.