Chuyến thăm tạo “năng lượng mới”
Thế giới - Ngày đăng : 06:39, 18/05/2017
Sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp R.Erdogan đều kêu gọi xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ giữa hai đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời ca ngợi các mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.Erdogan (trái) và Tổng thống Mỹ D.Trump tại Nhà Trắng. |
Kể từ sau khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành vào giữa tháng 7-2016, quan hệ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ xấu đi trông thấy. Ankara nhiều lần yêu cầu Washington dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen - người bị chính quyền của Tổng thống R.Erdogan coi là chủ mưu cuộc binh biến. Tuy nhiên, yêu cầu này bị từ chối.
Mối quan hệ giữa hai nước càng căng thẳng khi mới đây Washington quyết định vũ trang cho lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) để họ tham gia vào cuộc tái chiếm thành trì Raqqa ở Syria từ tay IS. Mỹ luôn coi YPG là đồng minh tốt nhất trong cuộc chiến chống lại đội quân cờ đen. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại cho đây là nhóm khủng bố, một nhánh thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) - lực lượng phát động phong trào nổi dậy ở Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1984. Ankara đã nhiều lần phản đối việc Washington hậu thuẫn tổ chức này dưới thời chính quyền cựu Tổng thống B.Obama và mong đợi sự hợp tác hiệu quả hơn với chính quyền mới của Mỹ.
Do đó, ngay tại cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Thổ, ông R.Erdogan đã tái khẳng định quan điểm rằng sự tham gia của người Kurd trong cuộc chiến chống IS “sẽ không bao giờ được chấp nhận”. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, mong muốn của Tổng thống R.Erdogan khó khiến người đồng cấp D.Trump thay đổi quyết định bởi thông qua việc hợp tác với lực lượng người Kurd, Mỹ đạt được những lợi ích nhất định. Về kinh tế, rõ ràng các binh sĩ người Kurd có chi phí thấp hơn nhiều so với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Quan trọng hơn, quyết định cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd để giải phóng Raqqa còn mang một ý nghĩa chính trị chiến lược với Washington. Trên thực tế, Mỹ từng đề cập khả năng thành lập một đất nước theo kiểu liên bang tại Syria và việc cung cấp vũ khí cho người Kurd phù hợp với mục tiêu này. Do đó, mặc dù khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh lâu dài trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan, nhưng Tổng thống D.Trump không hề nhắc đến lo ngại của Ankara về quyết định vũ trang cho người Kurd tại Syria cũng như yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Gulen. Thậm chí, ngay cả khi ông R.Erdogan tuyên bố việc cho phép các tổ chức người Kurd có vai trò trong khu vực là không thể chấp nhận được, người đồng cấp Mỹ cũng không có phản hồi.
Quan hệ đồng minh chiến lược giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trải qua không ít thăng trầm; từ đỉnh cao là chuyến đi đầu tiên của cựu Tổng thống B.Obama tới nước này năm 2009 với tuyên bố liên minh Mỹ - Thổ là một "đối tác kiểu mẫu" cho đến những bất đồng sau cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15-7-2016. Tuy nhiên, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất, tầm quan trọng về địa chính trị của Ankara khiến Washington không thể bỏ qua. Là láng giềng của Iraq, Iran và Syria, Thổ Nhĩ Kỳ nằm giữa một trong những khu vực trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ coi chính quyền D.Trump là một khởi đầu mới và là cơ hội lớn để tăng cường hợp tác song phương. Ankara đang đặt hy vọng cao hơn với chính quyền mới của Mỹ và bày tỏ sự sẵn lòng hợp tác với Tổng thống D.Trump để thực hiện chính sách của Mỹ là "hướng tới hành động" ở Trung Đông.
Dù không quá nhanh chóng nhưng những bước đi gần đây của cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều thể hiện nỗ lực thu hẹp khoảng cách và xóa nhòa những bất đồng giữa hai bên. Lý do vì cả Ankara và Washington đều đóng vai trò quan trọng trong việc cùng nhau giải quyết những thách thức chung đang đối mặt, nhất là “bài toán an ninh” trước mối đe dọa khủng bố.