Nên lùi lại 1 năm triển khai đại trà Chương trình Giáo dục phổ thông mới

Giáo dục - Ngày đăng : 09:42, 19/05/2017

Nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục cho rằng nên lùi thời gian 1 năm triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới.


Tại hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá, CTGDPT tổng thể đã thể hiện quan điểm lấy người học làm trung tâm thể hiện qua việc thiết kế các môn học, gia tăng sự lựa chọn cho người học về môn học, sách giáo khoa cũng như thay đổi hình thức kiểm tra đánh giá.

Bên cạnh đó, CTGDPT tổng thể cũng thể hiện được xu hướng giảm tải kiến thức, tăng cường phát triển kỹ năng, các trải nghiệm thực tế có giá trị cho người học. Các môn học cũng được thiết kế với những nỗ lực trong việc tiếp cận khoa học công nghệ thế giới trong bối cảnh hiện nay.

Đây là chương trình đầu tiên diễn đạt mục tiêu dưới dạng những phẩm chất và năng lực cụ thể. Đồng thời cũng là chương trình đầu tiên quan tâm đến phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục, thi cử một cách chi tiết, cụ thể theo tiếp cận mục tiêu.

GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới chia sẻ về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tại hội thảo.


Giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục quyết định thành bại của chương trình

Về điều kiện thực hiện CTGDPT, GS. Nguyễn Đức Chính cho rằng, khó khăn lớn nhất của việc triển khai thực hiện CTGDPT mới là khâu chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD). Đây là lực lượng quyết định thành bại của chương trình.

Chính vì vậy, GS. Chính đề nghị, cần bổ sung vào điều kiện thực hiện CTGDPT phần về đổi mới đào tạo GV ở các trường/khoa sư phạm. Tính toán ngân sách, tăng định biên giáo viên/số lượng học sinh (có sự tiếp thu các kinh nghiệm của nước ngoài) nhằm hiện thực hóa các mục tiêu.

Đặc biệt, công tác bồi dưỡng đội ngũ GV để giảng dạy CTGDPT mới cần được tiến hành khẩn trương (hầu hết các giáo viên hiện nay quá quen với cách dạy là truyền thụ hết kiến thức có trong sách giáo khoa), nhất là các môn học và hoạt động giáo dục có nội dung mới so với CTGDPT hiện hành.

Bên cạnh đó, cần tập huấn cho đội ngũ CBQLGD các cấp để có đủ năng lực điều hành thực hiện CTGDPT mới, nhất là CBQLGD các trường phổ thông. Đối với CBQL cần có sự chuyên môn hóa cao hơn về mặt năng lực quản lý để lãnh đạo nhà trường hiệu quả trong bối cảnh đổi mới.

Theo GS Chính, trong công cuộc cách mạng này, vai trò của hiệu trưởng với tư cách là chỉ huy trưởng của một đơn vị tác chiến trực tiếp, quyết định thành bại trên mặt trận của mình. Dạy học thực chất là dạy cách học, trong đó học sinh là chủ thể của quá trình tự học, còn giáo viên là chủ thể của việc giúp mỗi học sinh tự học theo cách của học sinh đó. Đây là công việc khó cần sự kiên trì và quyết tâm của hiệu trưởng.

TS. Nguyễn Thị Thanh, khoa Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, khi triển khai hoạt động giáo dục theo chương trình mới, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình đã là một nhiệm vụ cấp bách. Theo yêu cầu, mỗi giáo viên phải luôn năng động, sáng tạo trong cách tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đồng thời cũng phải khuyến khích học sinh tư duy phản biện và tư duy sáng tạo.

Do vậy mỗi giáo viên phải có sự thay đổi tư duy, đổi mới cách dạy học. Từ nhận thức đến năng lực hành động của giáo viên đều cần phải được đào tạo và bồi dưỡng nghiêm túc.

"Vấn đề đặt ra cho người cán bộ quản lý trường phổ thông là sẽ chọn yếu tố nào để bồi dưỡng đột phá? Sau bước đột phá sẽ bồi dưỡng theo lộ trình như thế nào để thành công?" - TS Thanh băn khoăn.

TS. Nguyễn Thị Thanh khuyến nghị, cần thiết kế lại chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông theo hướng tiếp cận mới của Chương trình phổ thông tổng thể. Bám sát chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông để có nội dung phù hợp giúp người cán bộ quản lý có kiến thức, kỹ năng cần thiết khi quản lý nhà trường.

Khó triển khai ngay từ năm 2018

Nếu chương trình bắt đầu thực thi vào năm 2018, thì đến năm 2030 chúng ta sẽ có lứa học sinh đầu tiên học xong chương trình này.

TS. Nguyễn Thị Thanh cho rằng, các điều kiện và sự chuẩn bị cho việc thực hiện thí đểm chương trình này khá rõ ràng nhưng nếu thực hiện ngay trong năm học 2017-2018 là kém khả thi và chưa thuyết phục.

Chẳng hạn có rất nhiều môn học mới so với chương trình hiện hành. Vậy vấn đề đặt ra là những giáo viên nào sẽ dạy các môn mới? Hiện nay chưa có trường sư phạm nào đào tạo giáo viên chuyên về các môn học này, vậy trong thời gian tới việc giảng dạy các môn học này sẽ như thế nào? Bên cạnh đó là các điều kiện phục vụ cho việc thực hiện các môn học mới như tài liệu, thiết bị, môi trường, kinh phí, cơ sở vật chất… là vấn đề cần được quan tâm và định hướng.

Theo TS. Thanh, những điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị để thực hiện chương trình như trong dự thảo thì các trường tư có nhiều khả năng và điều kiện thực hiện chương trình này hơn là các trường công, do đó cần thêm thời gian để các trường công, đặc biệt trường công vùng khó khăn thêm thời gian tiếp cận và chuẩn bị.

PGS.TS Trần Ngọc Giao, khuyến nghị, theo dự kiến của Ban soạn thảo, dự kiến CTGDPT mới sẽ thực hiện vào năm học 2018-2019 là quá sớm, trong khi công luận còn nhiều ý kiến khác nhau về những vấn đề cơ bản, đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban soạn thảo chương trình lùi thời gian lại ít nhất 1 năm.

Theo PGS.TS Trần Ngọc Giao, trong đổi mới lần này, chuyển từ tiếp cận trang bị kiến thức sang tiếp cận phát triển phẩm chất và năng lực là tinh thần thống lĩnh sự đổi mới. Công chúng và công luận đang chờ đợi có một CTGDPT tổng thể tạo được ấn tượng mạnh, định hướng dư luận và hành động nhưng chúng ta có thể thấy qua góp ý của các giáo viên và các cộng đồng nghề nghiệp tâm huyết, họ vẫn xoay quanh số môn học, thời lượng môn học, các môn học mới... và Ban xây dựng dự thảo chương trình cũng đang tập trung giải trình, giải thích các nội dung đó là chủ yếu. Sớm hay muộn thì cũng cần chuẩn bị các luận điểm cơ bản, thuyết phục để tạo niềm tin cho giáo viên và xã hội.

GS. Nguyễn Đức Chính băn khoăn, liệu chân dung người học sinh với các phẩm chất, năng lực được quy định trong mục tiêu chung cũng như mục tiêu chuyên biệt có đủ để đồng hành (hay ở lại phía sau) với những bước tiến như vũ bão của cuộc cách mạng 4.0 và với những thay đổi chưa hình dung hết của nước ta sau 12 năm không? Câu hỏi này đang bỏ ngỏ trong Chương trinh tổng thể.

Theo GS Chính, chuyển một nền giáo dục từ chủ yếu truyền đạt kiến thức sang nền giáo dục chủ yếu rèn luyện phẩm chất năng lực là một chủ trương đúng đắn trong đổi mới giáo dục nước nhà. Song, để thực hiện chủ trương này cả hệ thống giáo dục phải đổi mới căn bản tư duy về giáo dục, về quản lý giáo dục.

Trong bất kì nền giáo dục nào con người phải được xem là một cá thể có những đặc trưng riêng về năng lực, sở trường, thói quen…không giống bất kì người nào khác. Sứ mạng cao cả của giáo dục là giúp mỗi học sinh bộc lộ hết những tiềm năng vốn có, để học sinh đó có thể sống có ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội.

Theo Dân trí