Quy chuẩn mới để đối phó “giặc lửa”
Đời sống - Ngày đăng : 06:46, 19/05/2017
Còn nhiều bất cập
Theo Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, trong quý I-2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 280 vụ cháy làm 7 người chết, 13 người bị thương (tăng 100% số người chết so với cùng kỳ). Cháy nhà do các hộ kinh doanh, sản xuất kết hợp nhà ở, xen cài trong khu dân cư tiếp tục gia tăng với 115 vụ, trong khi đó con số này của quý I-2016 là 79 vụ.
Ảnh minh họa: Internet |
Trong giai đoạn 2015-2016, thực hiện các biện pháp xử lý cơ sở có nguy cơ cháy, nổ xen cài trong khu dân cư trên địa bàn, Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tổng kiểm tra, khảo sát thống kê, lập danh sách, phân loại, đánh giá cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Bên cạnh đó là tham mưu, đề xuất UBND thành phố phê duyệt các chính sách hỗ trợ kinh phí, bố trí quỹ đất, tạo điều kiện thuận lợi trong việc di dời các cơ sở. Tuy nhiên, hiện xen lẫn bên trong các khu dân cư vẫn còn không ít cơ sở sản xuất có nguy cơ cháy, nổ cao. Theo UBND TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố có trên 300 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lớn nhỏ; trong đó, có trên 28 nghìn cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC với gần 11 nghìn cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.
Tại một số khu vực kinh doanh xen kẽ khu dân cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, người dân vẫn bộc lộ rất rõ sự chủ quan trong công tác PCCC. Chợ Tân Bình, nơi mua bán vải sợi, quần áo may sẵn và phụ liệu ngành may lớn hàng đầu thành phố đang là nỗi lo lớn cho các cơ quan chức năng về vấn đề an toàn phòng cháy. Chợ đã cũ vì xây dựng trước năm 1975, nhiều chủ sạp lấn chiếm lối đi để xếp hàng hóa, vi phạm về khoảng cách an toàn phòng cháy và ngăn cháy. Người dân cũng không chấp hành quy tắc an toàn trong sử dụng điện như để đèn điện sát hàng hóa, sử dụng dây điện quá cũ... Nguy hiểm hơn, trong đợt kiểm tra đột xuất cuối năm 2016, hệ thống báo cháy tự động kết nối với Trung tâm Chỉ huy Cảnh sát PCCC thành phố đã bị Ban Quản lý chợ tự ý ngắt. Do liền kề các khu dân cư đông đúc, nếu chợ xảy ra cháy lớn thì thiệt hại không thể lường hết.
Theo Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, nhiều đối tượng thuộc diện quản lý mới trên địa bàn thành phố có không ít nguy cơ hoặc thiệt hại lớn khi xảy ra cháy nổ lại chưa được điều chỉnh tại các văn bản quy phạm pháp luật và tiêu chuẩn nhà nước. Các văn bản pháp luật trong lĩnh vực PCCC cũng còn bất cập khi phân cấp dàn trải cho địa phương mà cán bộ chuyên trách tại cơ sở lại thiếu. Đồng thời, nhiều nội dung quy định đến nay vẫn chưa được các bộ, ngành chức năng hướng dẫn thực hiện.
Lập quy chuẩn đặc thù
Để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra cháy nổ và kịp thời xử lý tình huống khi có sự cố, nhiều địa phương tại TP Hồ Chí Minh đã áp dụng các biện pháp cấp bách. Một trong số đó là vận động mỗi hộ gia đình, hộ kinh doanh trang bị một bình cứu hỏa. Theo Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, một số địa bàn như quận 3, quận 5,… đang triển khai biện pháp này. Tuy nhiên, hiệu quả của giải pháp này chắc chắn sẽ hạn chế vì người dân chưa có kiến thức về chữa cháy và sử dụng bình cứu hỏa. Đại tá Lê Tấn Bửu cho rằng, cần phải có cơ chế đặc thù để đưa giải pháp này vào áp dụng đại trà, đồng thời có chế tài nghiêm. “Người dân không có điều kiện trang bị bình cứu hỏa thì có thể vận động doanh nghiệp tài trợ”, Đại tá Lê Tấn Bửu nói.
Theo Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố đã có văn bản đề nghị Chính phủ cho phép thành phố ban hành và áp dụng các quy chuẩn PCCC đặc thù để điều chỉnh công tác PCCC trên địa bàn. Từ đó, Cảnh sát PCCC sẽ phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Tư pháp để tham mưu cho UBND thành phố xây dựng một quy chuẩn đặc thù cho thành phố với nhiều giải pháp cụ thể, bảo đảm an toàn cho các hộ gia đình, hộ nhà ở kết hợp kinh doanh.