Vì mục tiêu lớn hơn!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:39, 20/05/2017
(HNM) - Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa kết thúc hôm 10-5 đã thông qua một nghị quyết quan trọng, là bước tiến mới, xác lập địa vị hoạt động kinh tế cho người dân và đổi mới cách nhìn nhận giá trị của các khu vực kinh tế khác nhau. Đó là Nghị quyết "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" với mục tiêu đưa kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa.
Tuy vậy, để khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thì ngoài việc sớm cụ thể hóa nghị quyết của Đảng bằng cơ chế, chính sách, một đòi hỏi quan trọng khác chính là quyết liệt đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Hiện nay, doanh nghiệp nhà nước đang chiếm khoảng 28% GDP (chưa kể doanh nghiệp quốc phòng và ngân hàng quốc doanh). Đáng nói là khối kinh tế này không chỉ nắm giữ hầu hết những lĩnh vực quan trọng, xương sống của nền kinh tế mà còn "ôm" cả nhiều lĩnh vực, sản phẩm thiết yếu như rượu bia, nước giải khát, sữa...
Dĩ nhiên, cổ phần hóa không có nghĩa là tư nhân hóa. Nhà nước không "buông xuôi" mà vẫn nắm giữ một phần, thậm chí ở các lĩnh vực thiết yếu vẫn phải nắm giữ 100% hoặc chiếm tỷ trọng cổ phần ưu thế. Nhưng Nhà nước cũng cần "buông" các lĩnh vực không nhất thiết phải nắm giữ. Bởi như đã nói ở trên, các doanh nghiệp nhà nước đang giữ những lợi thế ở hầu hết các lĩnh vực có cơ hội sinh lời cao khiến cho khu vực kinh tế tư nhân dường như không thể có cơ hội cạnh tranh.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tháng 11-2016, cũng đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TƯ về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó đánh giá việc đổi mới, sắp xếp lại và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ vốn được cổ phần hóa thấp; quản trị doanh nghiệp nhà nước còn nhiều yếu kém. Đây cũng chính là thực tế đòi hỏi những động lực mạnh mẽ để thúc đẩy quá trình này.
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không chỉ là cơ hội tái cơ cấu lại khu vực kinh tế này, tăng cường minh bạch mà còn vì mục tiêu cao hơn là ổn định nền kinh tế, đa dạng hóa và tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Nói cách khác là, muốn phát triển toàn diện nền kinh tế thì phải thu hẹp lại tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước, dành "đất" cho các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là khu vực tư nhân (đang chiếm tới gần 40% tổng sản phẩm nội địa, nhưng chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình, cá thể). Trong khi thực tế, bộ, ngành nào, địa phương nào cũng có hàng chục doanh nghiệp nhà nước thì đây cũng là biện pháp xóa bỏ tình trạng "độc quyền", "lợi ích nhóm" và hạn chế việc doanh nghiệp tư nhân trở thành "sân sau" của doanh nghiệp nhà nước.
Vì thế, cổ phần hóa không thể chỉ là sự quan tâm đến lợi ích riêng của doanh nghiệp, hay chỉ quan tâm thực hiện kế hoạch sắp xếp như thế nào, giao bán cổ phần ra sao... Hãy xác định thúc đẩy nhanh hơn tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn vì một mục tiêu lớn hơn của cả nền kinh tế!