Bệnh viện lúng túng, người bệnh lo lắng

Xã hội - Ngày đăng : 07:08, 20/05/2017

(HNM) - Còn chưa đầy 2 tuần nữa, việc điều chỉnh hơn 1.900 dịch vụ y tế chính thức có hiệu lực, nhưng tại hội nghị triển khai Thông tư số 02/2017/TT-BYT (ban hành ngày 15-3-2017) của Bộ Y tế diễn ra chiều 19-5, không ít bệnh viện vẫn lúng túng chưa biết áp dụng ra sao.

Từ ngày 1-6, người không có bảo hiểm y tế sẽ phải chi trả hơn 1.900 dịch vụ y tế ở mức cao. Ảnh: Bá Hoạt


Còn nhiều vướng mắc

Bộ Y tế cho biết, Thông tư 02 có hiệu lực từ ngày 1-6, nhưng không phải các bệnh viện trên toàn quốc thực hiện áp dụng mức giá tối đa này vào thời điểm đó. Trước mắt, việc điều chỉnh được áp dụng đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện của bộ, ngành.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) lý giải, Bộ sẽ quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I thuộc các bộ, ngành quản lý. UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các bệnh viện thuộc địa phương quản lý và các bệnh viện do các bộ, ngành khác quản lý từ hạng II trở xuống. “Việc điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình, thận trọng, không điều chỉnh đồng loạt, mà phân chia tiến độ điều chỉnh giữa các đơn vị, địa phương cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) và thu nhập của người dân” - ông Nguyễn Nam Liên cho biết.

Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng (Trường Đại học Y dược Hải Phòng) là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Theo đúng lộ trình, bệnh viện sẽ áp dụng Thông tư 02 từ ngày 1-6 tới. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hồng Liên, đại diện bệnh viện vẫn lúng túng không biết nên triển khai luôn hay phải trình Bộ Y tế phê duyệt khung giá. Ngoài ra, việc thanh toán ngày nằm viện, nếu trong ngày xuất viện, bệnh nhân chỉ nằm điều trị đến cuối buổi sáng hoặc đầu giờ chiều thì được tính bao nhiêu phần trăm ngày giường điều trị.

Theo Thông tư 02, giá ngày điều trị tăng lên khá cao so với giá cũ. Cụ thể, giá tối đa dịch vụ ngày điều trị hồi sức tích cực tại bệnh viện hạng đặc biệt tăng gấp đôi, lên 677.100 đồng; bệnh viện hạng I là 632.200 đồng; bệnh viện hạng II là 568.900 đồng. Đối với ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu/chống độc, các mức tương ứng là: 362.800 đồng/ngày, 335.900 đồng/ngày, 279.100 đồng/ngày; tại bệnh viện hạng III là 245.700 đồng/ngày và bệnh viện hạng IV là 226.000 đồng/ngày... Do đó, cần có quy định cụ thể, tránh thiệt thòi cho người bệnh, đồng thời tạo sự rõ ràng, minh bạch giữa bệnh viện và bảo hiểm.

Dự kiến trong năm 2017, tất cả 63 tỉnh, thành phố sẽ thực hiện Thông tư 02. Thế nhưng, đại diện Sở Y tế tỉnh Hưng Yên lo ngại, một năm tỉnh có hai kỳ họp HĐND, Thông tư 02 này phải chờ đến kỳ họp HĐND vào tháng 7 tới để thông qua. Do đó, mục tiêu thực hiện Thông tư 02 của địa phương trong năm nay sẽ khó được thực thi.

Đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh cho rằng, danh mục kỹ thuật trong Thông tư 02 và những thông tư ban hành trước đó có độ “vênh” lớn, do đó, cơ sở y tế lúng túng khi triển khai. Chẳng hạn, nhiều dịch vụ phẫu thuật khi chuyển sang thông tư mới có giá thấp hơn thông tư cũ, hay như cùng một thủ thuật, kỹ thuật, nhưng với tên gọi khác nhau và mức chi trả cũng khác nhau… Như vậy, việc thanh toán BHYT sẽ gặp khó khăn.

Hướng tới tăng chất lượng dịch vụ

Với 1.916 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá trong Thông tư 02, mức điều chỉnh trung bình tăng khoảng 20 - 30%. Tuy nhiên, có không ít dịch vụ kỹ thuật y tế có mức tăng gấp đôi so với mức giá cũ, thậm chí, đến cả triệu đồng cho một lần chỉ định. Đơn cử như chụp X-quang động mạch vành hoặc thông tim, chụp buồng tim dưới DSA tăng từ 5,1 triệu đồng lên gần 5,8 triệu đồng; chụp và can thiệp tim mạch dưới DSA từ 6 triệu lên gần 6,7 triệu đồng; nội soi ổ bụng từ 575.000 đồng tăng lên 793.000 đồng...

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn chỉ rõ, bệnh nhân có thẻ BHYT sẽ được Quỹ BHYT chi trả từ 80 đến 100% chi phí, tùy đối tượng thụ hưởng. Còn bệnh nhân không có BHYT sẽ phải chi trả 100%. Theo khung giá viện phí mới, khoản tiền người khám, chữa bệnh không có BHYT phải trả thêm so với mức giá hiện hành là con số không nhỏ.

Với những người bệnh không có thẻ BHYT, khi các bệnh viện triển khai Thông tư 02 sẽ trở thành nỗi lo lắng lớn. Bệnh nhân Nguyễn Thị Bàn (50 tuổi, ở Hoài Đức) mắc hội chứng Guillain Barre - viêm đa rễ thần kinh hiện đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, căn bệnh hiểm nghèo này khiến bà bị liệt cơ hô hấp và có chỉ định điều trị hồi sức tích cực, phải thay huyết tương để điều trị. Chi phí điều trị ban đầu đã lên tới 300 triệu đồng, nhưng bà không có BHYT. Tới đây, khi giá dịch vụ y tế điều chỉnh, gánh nặng chi phí sẽ còn lớn hơn.

Trước thực tế này, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn mong muốn, mọi người dân vì lợi ích của chính mình, lợi ích của cộng đồng, hãy tham gia BHYT để giảm gánh nặng khi phải khám, chữa bệnh. Ngành Y tế cam kết từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Song song với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng, Bộ đã chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt Quy tắc ứng xử để giảm phiền hà cho người bệnh, tăng cường giáo dục y đức…

Theo Bộ Y tế, dự kiến trong năm 2017, tất cả 63 tỉnh, thành phố sẽ thực hiện Thông tư 02. Trong đó, tháng 8-2017 sẽ có 30 tỉnh thực hiện; đến tháng 10 sẽ có thêm 15 tỉnh và tháng 12 là 18 tỉnh còn lại. Riêng tại Hà Nội, sẽ thực hiện vào tháng 8-2017.

Thu Trang