Hy vọng mới ở bán đảo Triều Tiên

Thế giới - Ngày đăng : 07:23, 20/05/2017

(HNM) - Bất chấp vụ bắn thử tên lửa được cho là khiêu khích của Bình Nhưỡng diễn ra vào cuối tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vẫn chứng tỏ quyết tâm tái khởi động đàm phán trên bán đảo Triều Tiên...

Triều Tiên giới thiệu nhiều loại tên lửa trong cuộc diễu binh cách đây một tháng.


Đặc phái viên được Tổng thống Moon Jae-in cử đi Mỹ là ông Hong Seok-hyun, cựu Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Tập đoàn truyền thông JoongAng. Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, ông Hong được nhận trọng trách này vì có thời gian từng là Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ hồi năm 2005 và có mối quan hệ rộng rãi ở xứ Cờ hoa. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Lee Hae-chan được chọn làm đặc phái viên tới Trung Quốc. Hai nghị sĩ của đảng Dân chủ là Moon Hee-sang và Song Young-gil lần lượt được cử tới Nhật Bản và Nga.

Trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên ngày càng tiến đến gần bờ vực chiến tranh, những động thái của nhà lãnh đạo mới của Hàn Quốc được cho là cần thiết. Hiện tại, Triều Tiên sở hữu tên lửa hạt nhân tầm trung có thể phóng tới Hàn Quốc, Nhật Bản và binh lính Mỹ đồn trú trong khu vực. Trong khi đó, học thuyết hạt nhân của Triều Tiên là sử dụng vũ khí nguyên tử sớm nhất và trước tiên nếu nước này tin rằng một cuộc tấn công nhằm vào họ sắp xảy ra. Ngoài ra, dù chưa thể khẳng định tên lửa của Triều Tiên có khả năng phóng tới Mỹ hay không, song giới phân tích cho rằng nếu không tìm ra giải pháp để Bình Nhưỡng dừng tham vọng hạt nhân, trong vòng 5 năm tới, chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un có thể phát triển một tên lửa đạn đạo có khả năng vươn tới Mỹ để duy trì quyền lực.

Thực tế cho thấy một chính sách hòa giải giữa hai miền Triều Tiên là rất khó khăn nhưng cũng không đến mức là điều không tưởng. Ví dụ rõ ràng nhất là sự tồn tại của Chính sách Ánh dương trong suốt một thập kỷ. Cùng với đó, quan hệ hai miền không chỉ liên quan đến riêng Seoul và Bình Nhưỡng, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào các mối quan hệ đan xen trong khu vực. Vì vậy, với một nhà lãnh đạo có xuất thân từ Triều Tiên như ông Moon Jae-in, dư luận đang hy vọng vào một Chính sách Ánh dương phiên bản mới sẽ xuất hiện và mang đến sự ổn định, an ninh cho bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực.

Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực thúc đẩy đối thoại và duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Ngày 19-5, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc CHDCND Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo ngày 14-5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam quan tâm tới các diễn biến gần đây liên quan đến bán đảo Triều Tiên và hết sức quan ngại việc CHDCND Triều Tiên thực hiện vụ phóng tên lửa vào sáng 14-5, vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam nhất quán ủng hộ mọi nỗ lực thúc đẩy đối thoại và duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh của khu vực là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước. Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và có những hành động mang tính xây dựng, thiết thực đóng góp cho việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và trên thế giới”.

Hoàng Linh

Quỳnh Dương