Dùng nước sinh hoạt, trả giá kinh doanh
Xã hội - Ngày đăng : 06:57, 21/05/2017
Cần có những hướng dẫn cụ thể để công nhân đang thuê trọ được chi trả tiền nước theo mức bình thường. |
Nước sinh hoạt tính theo giá kinh doanh
Xã Kim Chung, huyện Đông Anh là nơi có đông công nhân các khu công nghiệp thuê trọ. Theo phản ánh của người dân, một nghịch lý là công nhân thuê trọ có mức thu nhập thấp, nhưng đang phải chi trả tiền nước cao hơn bình thường, vì bị áp theo khung giá nước kinh doanh chứ không phải khung giá sinh hoạt. Có mặt tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy phản ánh của người dân là có thật. Chị Nguyễn Thị Minh Toàn (quê Vĩnh Phúc) có chồng là công nhân Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh), hiện thuê nhà tại đội 9, thôn Hậu Dưỡng cho biết: Gia đình chị phải trả tiền nước sinh hoạt theo giá kinh doanh là 20.000 đồng/m3, tính bình quân mỗi tháng chi phí tiền nước khoảng 300.000 đồng. Cộng thêm tiền thuê nhà, tiền điện... tổng cộng gia đình chị Toàn mất gần 3,5 triệu đồng/tháng. “Tôi ở nhà bán hàng tạp hóa, toàn bộ tiền lãi thu được chi trả hết cho những chi phí đó. Con cái ăn học và các khoản khác đều trông vào đồng lương công nhân của chồng” - chị Toàn chia sẻ.
Đối với công nhân thuê trọ một mình, chủ nhà thường áp dụng mức khoán sử dụng nước từ 80.000 đến 100.000 đồng/ người/tháng. Chị Nguyễn Thị Lệ Hà (quê ở huyện Mê Linh) đang làm công nhân Công ty Chiyoda (Nhật Bản - Khu công nghiệp Bắc Thăng Long), cho biết: "Nếu so với mức thu nhập ở thành phố thì số tiền này không đáng kể, nhưng với mức thu nhập eo hẹp của công nhân khoảng 4-5 triệu đồng/tháng thì giảm được đồng nào hay đồng ấy".
Để giảm bớt chi phí cho công nhân thuê trọ, một số hộ gia đình đã tận dụng nguồn nước giếng khoan. Bà Nguyễn Thị Lãm, ở đội 9, thôn Hậu Dưỡng cho biết, gia đình bà có khoảng 30 phòng cho thuê, hằng tháng thu tiền nước của công nhân là 50.000 đồng/người. "Sở dĩ thu thấp hơn các nhà khác vì tôi tận dụng nguồn nước giếng khoan để giảm chi phí giá thành, nhằm giữ chân công nhân thuê nhà trọ lâu dài. Nếu không làm thế, với khoảng 40 công nhân thuê trọ, tiền nước hằng tháng lên tới hàng triệu đồng" - bà Lãm nói.
Không chỉ riêng thôn Hậu Dưỡng, tình trạng công nhân thuê nhà trọ phải trả tiền nước sinh hoạt theo giá kinh doanh diễn ra phổ biến trên toàn xã Kim Chung. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung Hoàng Đức Khang, hiện số công nhân thuê trọ trên địa bàn khoảng 25.000 người, cùng với đó có khoảng 5.000 - 6.000 lao động ở nơi khác cũng tới đây cư trú. Nếu tính với mức giá nước thu khoán mà các hộ gia đình áp dụng thì chi phí mà công nhân thuê trọ bỏ ra không phải là ít.
Việc cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân về giá nước sinh hoạt là rất cần thiết. |
Thiếu sự hướng dẫn
Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã làm việc với Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội, đơn vị chịu trách nhiệm cung ứng nước sạch trên địa bàn xã Kim Chung. Theo bà Trần Phương Thảo, Phó Giám đốc Công ty, đối với khu nhà ở công nhân tập trung của thành phố, gồm 22 tòa nhà (28 đơn nguyên), công ty cấp nước thông qua Hợp đồng dịch vụ với Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và một số đơn vị khác, như các công ty: Canon, Hoya Glass Disk... Giá nước tại khu nhà ở này được áp dụng theo mức sinh hoạt 1 (giá nước áp dụng cho các hộ gia đình, lũy tiến 4 mức). Theo đó, với 10m3 đầu tiên (SH1) có giá 5.973 đồng/m3; trên 10m3 đến 20m3 (SH2) đơn giá là 7.052 đồng/m3; từ trên 20m3 đến 30m3 (SH3) là 8.669 đồng/m3 và trên 30m3 là 15.929 đồng/m3.
Với người lao động thuê nhà trọ ở bên ngoài đang phải trả mức phí sử dụng nước sạch cao hơn là vì các hộ gia đình cho thuê nhà ký hợp đồng với công ty sử dụng nước sạch theo khung giá kinh doanh. Thêm nữa, có tình trạng một số gia đình cho thuê nhà trọ khoán giá nước tiêu dùng cho người lao động, đẩy chi phí cao hơn nữa để họ "kinh doanh" thêm cả nước sinh hoạt. "Chúng tôi đã hướng dẫn, để được hưởng giá nước sinh hoạt như bình thường, người thuê nhà cần có hợp đồng thuê nhà, xác nhận tạm trú (theo Thông tư 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNN, ngày 15-2-2012 của liên ngành hướng dẫn xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn) và nộp cho công ty. Với số lượng 4 người chúng tôi áp là một hộ gia đình và sẽ chuyển lại giá theo mức sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện số công nhân làm hợp đồng với công ty nước sạch không nhiều" - bà Thảo cho biết.
Rõ ràng, sự bất hợp lý về tình trạng công nhân thuê nhà mà phải chịu giá nước sinh hoạt cao đã có cách giải quyết. Thế nhưng, do không được phổ biến, hướng dẫn kịp thời, nên nhiều người không biết để thực hiện. Trách nhiệm này trước hết thuộc về chính quyền cơ sở, chưa thông báo, cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân cư trú trên địa bàn. Phần nữa là chính công nhân thuê nhà cũng chưa tìm hiểu rõ ràng trước khi quyết định thuê trọ nên lâu nay vẫn phải chịu giá nước sinh hoạt cao một cách vô lý.