Kỳ đài Hồ Gươm - không chỉ là nơi đấu cờ
Thể thao - Ngày đăng : 07:34, 21/05/2017
Ông cho rằng, cuốn sổ sẽ dày thêm sau những lần tổ chức Kỳ đài Hồ Gươm sắp tới. Nhưng nếu người dân và khách du lịch hiểu hơn về lịch sử cờ Việt Nam, về văn hóa Việt Nam bên cạnh việc thưởng thức, trực tiếp thi đấu cờ tại đây còn tốt hơn nữa...
Cách đây hơn hai năm, trong một cuộc hội thảo về quy hoạch hồ Hoàn Kiếm, ông Lưu Đức Hải, vốn là vận động viên cờ tướng, cờ vua kỳ cựu của Hà Nội, nguyên là Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia, đã trình bày 10 vấn đề. Trong đó, ông đề cập đến việc phải đánh thức những giá trị về cờ tướng, cờ vua quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ông Lưu Đức Hải chia sẻ, địa chỉ 36 Hàng Trống chính là nơi đầu tiên ra đời Câu lạc bộ Cờ vua Việt Nam. Còn ven hồ Hoàn Kiếm, phía đầu đường Lê Thái Tổ là địa chỉ quen thuộc với những người yêu thích cờ tướng Hà Nội. Chính từ nơi đây, nhiều cao thủ đã xuất hiện và làm rạng danh cờ tướng đất kinh kỳ…
Khi Câu lạc bộ Cờ Hồ Gươm ra đời, ngày 22-1-2017, Kỳ đài (không gian chơi cờ, thưởng thức các ván cờ hay) Hồ Gươm cũng ra đời. Khác với nhiều kỳ đài khác trên toàn quốc chỉ tập trung thi đấu một môn cờ, Kỳ đài Hồ Gươm do Câu lạc bộ Cờ Hồ Gươm tổ chức là nơi giao lưu giữa những người yêu cờ ở cả ba loại hình cờ nổi tiếng hiện nay: Cờ vua, cờ tướng, cờ vây. Ở đó, có thể là màn thi đấu giao hữu cùng lúc giữa một hoặc hai cao thủ với các vận động viên nhí cờ tướng, cờ vua, cờ vây; hoặc là cuộc giao lưu cờ tướng - cờ vua (hay còn gọi là lưỡng kỳ) giữa hai cao thủ cờ tướng. Hay là những màn giao lưu cờ vây giữa các cao thủ người nước ngoài có đẳng cấp cao nhất thế giới hạng không chuyên như ở Kỳ đài Hồ Gươm lần thứ 6, kỳ thủ Quan Thọ (6 đẳng, Trung Quốc) đã đấu với Han Chi Ok (6 đẳng, thương nhân Hàn Quốc).
Nhưng nếu chỉ là nơi đấu cờ thì Kỳ đài Hồ Gươm cũng chưa hẳn nổi bật và được nhiều người biết đến. Tại đây, các nhà tổ chức còn muốn thông qua hoạt động của Kỳ đài để giúp du khách và người dân Hà Nội hiểu hơn về lịch sử phát triển các môn cờ, các cao thủ có ảnh hưởng đến sự phát triển môn cờ, nhất là cờ tướng ở Hà Nội. Như ở Kỳ đài Hồ Gươm lần thứ ba đã giới thiệu thân thế, sự nghiệp và ván cờ tiêu biểu của cố kỳ thủ Đặng Đình Yến (1904-1968) - vô địch cờ tướng Hà Nội đầu tiên năm 1920 và vô địch cờ Tướng giải tiền Bắc Kỳ đầu tiên năm 1932.
Hiệu quả của những việc nêu trên không chỉ giúp người dân Thủ đô, du khách hiểu hơn về các môn cờ mà còn giúp cả thân nhân những người được giới thiệu rõ hơn về thành tích của người thân trong gia đình. Cũng qua hoạt động bổ ích của Kỳ đài, nhiều gia đình đã đưa con tới theo học cờ vua, cờ tướng tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2 phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), địa điểm thường diễn ra Kỳ đài Hồ Gươm.
Hôm nay (ngày 21-5), Kỳ đài Hồ Gươm lần thứ 12 sẽ được tổ chức với các cuộc đấu giao hữu ở cả ba môn cờ vua, cờ tướng, cờ vây. Đây sẽ là lần hiếm hoi, một Kỳ đài ở Việt Nam tổ chức giao lưu ba môn cờ cùng lúc. Và sẽ còn tốt hơn nếu các quận, huyện khác, nhất là tại nội thành, đều lập sân chơi Kỳ đài để giữ gìn nét văn hóa của người Việt cũng như giúp cờ vua, cờ tướng, cờ vây phát triển sâu rộng hơn khi đã có tiềm lực về con người.