Thông điệp giáo dục từ trang sách
Sách - Ngày đăng : 07:08, 21/05/2017
Cuộc tọa đàm đã đề cập một thông điệp thiết thực với các bậc phụ huynh, học sinh và giáo viên: Có thể học gì, làm gì để con em chúng ta ngày càng được thụ hưởng chương trình giáo dục tốt hơn, trở thành những con người có ích cho sự phát triển của xã hội?
Phố sách Hà Nội thu hút đông đảo bạn đọc đến tham quan, mua sách. Ảnh: Nhật Nam |
Kiểm nghiệm qua "thực tiễn giáo dục"
"Vào một ngày đẹp trời, các em học sinh lớp 6 Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành được đến thăm Ai Cập. Em hãy đóng vai là một hướng dẫn viên du lịch để thuyết minh cho các bạn nghe về đất nước, lịch sử và văn hóa Ai Cập cổ đại". Đó là một trong rất nhiều đề bài kiểm tra mang tính gợi mở mà thầy giáo Nguyễn Quốc Vương đưa ra cho học trò khi ông làm giáo viên thỉnh giảng tại Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (trường thực hành trực thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội), nhằm áp dụng thử nghiệm phương thức dạy sử mới trong giai đoạn từ tháng 9-2012 đến tháng 2-2014.
Từ các bài viết mang tính chất thực hành "làm nhà sử học" cho học sinh, trong đó các em chủ động phát hiện, tìm kiếm, giải mã tư liệu, khám phá, đọc hiểu quá khứ..., thầy giáo Vương đã tập hợp, hiệu chỉnh, đưa vào một phần của cuốn "Môn sử không chán như em tưởng", vừa được Nhà Xuất bản Phụ nữ phát hành. Trò chuyện với bạn đọc, tác giả Nguyễn Quốc Vương chia sẻ: Rất nhiều người "kêu" việc học sinh chán học sử, nhưng thực tiễn giáo dục cho thấy, phương pháp dạy của giáo viên có ý nghĩa quan trọng khuyến khích sự ham thích học tập của các em. Hãy để các em được chủ động tìm kiếm thông tin, thiết lập giả thuyết, trải nghiệm các phương pháp học tập như điều tra thông tin, đóng vai, thảo luận, làm báo, tạp chí... Tôi không nghĩ thực tiễn giáo dục của tôi là điển hình hay hoàn hảo, nhưng tôi kỳ vọng nó sẽ đem đến cho độc giả một cái nhìn khác về giáo dục lịch sử cho học sinh.
Tốt nghiệp năm 2004 và làm giảng viên Khoa Lịch sử (Đại học Sư phạm Hà Nội) từ đó đến nay, tác giả Nguyễn Quốc Vương đang là nghiên cứu sinh ngành Giáo dục lịch sử tại Đại học Kanazawa (Nhật Bản). Với "Môn sử không chán như em tưởng", tác giả chia sẻ một tiếng nói từ thực tế giáo dục với thông điệp: "Những ý tưởng về giáo dục rất quý giá, nhưng nếu chỉ dừng lại ở những gợi ý hay các tranh luận về lý thuyết sẽ không tạo được ảnh hưởng và sự thay đổi lớn. Những ý tưởng đó cần được kiểm nghiệm ở thực tế. Với sự chủ động đổi mới phương pháp của giáo viên, sự ủng hộ của nhà trường và phụ huynh, chắc chắn các em sẽ có những tiết học vui, giá trị, góp phần phát triển nhận thức lịch sử khoa học và phẩm chất công dân ở học sinh".
Chú trọng dạy nghề, thay vì chỉ "định hướng"
Thực tiễn cho thấy, không ít ví dụ về các học sinh học rất giỏi nhưng lại không thể "quản trị" được cuộc sống bản thân. Chính vì vậy, nội dung thảo luận "tại sao không dạy nghề, mà chỉ là định hướng nghề nghiệp" cũng là một đề tài nóng khi bàn về cuốn “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản? - kết quả của việc so sánh giáo dục Việt Nam và Nhật Bản do tác giả Nguyễn Quốc Vương thực hiện từ năm 2009 đến nay, với mong muốn đóng góp vào công cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam.
Trao đổi với bạn đọc, trong đó có nhiều nhà giáo, phụ huynh và học sinh, tác giả Nguyễn Quốc Vương nhấn mạnh: "Cần phải coi vai trò, mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp trong trường phổ thông là dạy nghề thực sự chứ không chỉ dừng lại ở định hướng nghề nghiệp. Học sinh cần được học một nghề thực sự phù hợp với sức khỏe, sở thích, năng lực của bản thân". Học nghề thực sự, nghĩa là cần thiết lập trong chương trình học các môn nghề nghiệp đa dạng, phong phú, tùy thuộc vào tình hình, thế mạnh của địa phương, trường học; giáo viên phải là người giỏi nghề, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành... Tác giả Nguyễn Quốc Vương chia sẻ: "Bốn năm học THCS và ba năm học THPT, nếu học sinh được học nghề nghiêm túc, các em sẽ có nhiều cơ hội để tự lập về kinh tế khi không tiếp tục học lên cao...".
Nhận xét về những thông điệp giá trị trong các cuốn sách của Nguyễn Quốc Vương, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Phụ nữ Khúc Thị Hoa Phượng cho rằng: "Để đào tạo nên những con người có ích cho xã hội, cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, trường học, giáo viên, phụ huynh, học sinh. Bên cạnh sự chủ động nhập cuộc của các bậc cha mẹ trong việc cùng nhà trường dạy dỗ con cái, chúng ta cần có những chuyên gia truyền cảm hứng về giáo dục, về trách nhiệm công dân với đất nước, đặc biệt là tinh thần cổ vũ sự chủ động thay đổi trong phương pháp dạy và học từ cơ sở của các giáo viên, sao cho ngày càng hay hơn, hấp dẫn hơn".
Thông điệp từ những trang sách của một tác giả trẻ không ngại thử nghiệm, tìm tòi phương pháp mới đã có được nhiều tiếng nói cộng hưởng từ chính các độc giả của anh. Người trong cuộc tin tưởng rằng, khi các giáo viên chủ động đổi mới, khai thác nguồn tài nguyên tri thức qua internet và các phương tiện công nghệ hiện đại để tự trau dồi, tạo được những biến chuyển tích cực trong phương pháp giảng dạy, chắc chắn công tác đào tạo sẽ có khởi sắc, đáp ứng những yêu cầu mới của cuộc sống trong thời kỳ hội nhập và phát triển.