Nỗ lực ở nơi... "sống chung" với rác
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:38, 22/05/2017
Chưa hết ô nhiễm!
Cơn mưa rào giữa tháng 5 xóa tan cái oi bức những ngày đầu mùa hạ, nhưng đối với người dân sinh sống quanh Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn thì đó lại là một cực hình. Sự thay đổi thời tiết đột ngột khiến gió Bắc thổi mạnh, đẩy mùi hôi thối từ bãi rác về khu dân cư, cộng thêm ruồi, nhặng, côn trùng bay tứ tung. Từ đầu quốc lộ 3 rẽ vào bãi rác Nam Sơn, dù còn khoảng 5km nữa mới tới khu vực xử lý rác, nhưng tôi đã cảm nhận rõ... mùi của rác.
Tuy nhiên, tuyến đường 35 dẫn vào Nam Sơn khá sạch, cứ cách độ 500m lại có một thùng rác lưu động dựng sẵn bên đường để người dân chứa chất thải nên cả quãng đường dài tới Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, gần như không có rác vương vãi, chỉ nhiều bụi và mùi "rác" mỗi lúc một "đậm đặc" hơn.
Hồ chứa nước thải sau xử lý của Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn đang được cải tạo. |
Chị Ánh Dương, nhà mở hàng tạp hóa bên đường 35 nhận xét, so với trước thì mức độ ô nhiễm đã giảm đi nhiều, nhưng mùi hôi thối vẫn tồn tại. Chị Dương nói: "Bình thường thì dịu hơn, nhưng những hôm trái nắng trở trời, ruồi nhặng bay tứ tung, kéo theo đó là mùi hôi thối nồng nặc. Hiện nay, xe rác đi trên tuyến đường đã được che phủ cẩn thận, không còn rơi vãi, nhưng nước rỉ từ rác vẫn chảy xuống đường, đọng nhiều nhất ở những khúc cua, ngã 3, ngã 4. Hằng ngày, vào rạng sáng, xe ở trong khu xử lý đều đi phun nước rửa đường, nhưng hiềm một nỗi, nước lại chảy xuống đọng lại ở kênh, rãnh hai bên đường nên vẫn ảnh hưởng đến môi trường khu vực". Trong khi đó, mặc dù ở cách khu bãi rác tới gần 6km, nhưng chị Nguyễn Thị Hương Ly, nhà ở thôn Thanh Hà, cũng cho biết, vào ngày thời tiết ẩm ướt, mùi hôi thối bốc lên rất ngột ngạt.
Bà Lê Thị Ngọc, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn, phản ánh: "Nhà tôi ở trong vùng ảnh hưởng 500m, có thời điểm, cả bầu không khí toàn mùi hôi thối khiến mọi người cảm thấy tức ngực, khó thở. Trẻ con trong xóm thường mắc bệnh về đường hô hấp. Mặc dù phía Khu liên hiệp xử lý chất thải hằng tháng đều cho người đi phun thuốc diệt côn trùng để bảo đảm vệ sinh môi trường nhưng chỉ bớt được phần nào. Tại xóm cạnh bãi rác, ruồi nhặng nhiều đến nỗi phun thuốc cũng không xuể. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng cần có nhiều biện pháp và tiến hành thường xuyên giúp người dân cải thiện chất lượng cuộc sống".
Thực tế cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn vẫn tồn tại. Trong báo cáo 3 tháng đầu năm 2017 của UBND xã Nam Sơn về thực hiện chương trình "phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân" đã nhận định, yếu tố môi trường và an toàn thực phẩm trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cũng chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân chính xuất phát từ Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn.
Tăng cường nhiều giải pháp giảm ô nhiễm
Đưa chúng tôi đi một vòng quanh Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, ông Cao Xuân Thìn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh Nam Sơn (URENCO 8) cho biết, kể từ năm 2016 đến nay, khu xử lý đã được thành phố quan tâm và đầu tư rất nhiều. Chỉ tay về phía những núi rác khổng lồ đã được che phủ kín, ông Thìn nói: "Với những ô chôn lấp đã đóng, theo chỉ đạo của thành phố, chúng tôi đã phủ bạt HDPE nhập khẩu để ngăn nước mưa, nhằm giảm thiểu lượng nước rỉ rác cần xử lý và mùi, ruồi muỗi phát sinh. Cùng với đó, việc nạo vét, làm sạch đường thoát nước sau xử lý của khu liên hiệp đang được tích cực triển khai".
Tại khu vực hồ chứa nước rác, ông Thìn cho biết, hồ đang được cải tạo và thời gian tới, toàn bộ nước rỉ rác sẽ được đưa vào nhà máy xử lý sau đó mới đưa vào hồ. Rồi ông giải thích: "Mùi hôi thối chủ yếu do nguồn nước rỉ rác này. Tới đây, khi cải tạo xong, theo thiết kế mặt hồ sẽ bịt kín bằng bê tông, nước đã qua xử lý được đưa vào đây, giảm đáng kể việc phát sinh ô nhiễm".
Với khu vực dân cư, đặc biệt là các thôn, hộ dân, đơn vị tiếp giáp với Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, hằng tháng, URENCO 8 đều tiến hành phun thuốc diệt côn trùng, thực hiện công tác phòng dịch. Vào những dịp lễ lớn, chi nhánh phối hợp với đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn cùng người dân địa phương tiến hành tổng vệ sinh, dọn bùn, khơi thông thoát rãnh nước xung quanh khu liên hiệp xử lý chất thải, rắc vôi bột xuống các rãnh nước, đường bộ, hố rác...
Bên cạnh các giải pháp giảm ô nhiễm môi trường, thành phố cũng đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội cho nhân dân khu vực bãi rác Nam Sơn. Hằng năm, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đều tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân vùng ảnh hưởng môi trường, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã, cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân vùng ảnh hưởng môi trường phạm vi 0 - 500m và đang triển khai dự án cấp nước sạch đến phạm vi 1.000m, ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí và nâng mức hỗ trợ…
Có mặt tại nhà văn hóa thôn Đông Hạ, chứng kiến cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND xã Nam Sơn Nguyễn Ngọc Oanh chủ trì với sự tham dự của đại diện các bộ phận chuyên môn của xã, để rà soát, thống kê những người trong vùng ảnh hưởng mới thấy rõ điều này. Phó Chủ tịch xã Nguyễn Ngọc Oanh cho hay, cuộc họp để tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân trên địa bàn thôn về nhân khẩu, bảo hiểm y tế, đất canh tác của từng hộ gia đình, mức hỗ trợ ảnh hưởng môi trường.
Trao đổi thêm về điều này, bà Lê Thị Ngọc, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn cho biết, được sự quan tâm của thành phố, đến nay các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng đã được sử dụng nước sạch, trung bình mỗi nhân khẩu được cấp miễn phí 3m3 nước/tháng, nếu sử dụng hơn mới phải trả tiền. Các gia đình trong vùng bị ảnh hưởng đều được nhận tiền hỗ trợ đầy đủ. "Như gia đình tôi, có 4 nhân khẩu, nằm trong vùng ảnh hưởng 500m, năm 2016 mỗi khẩu được hỗ trợ hơn 1 triệu đồng. Mức hỗ trợ chưa nhiều nhưng thể hiện sự quan tâm của thành phố, giúp bà con giảm bớt thiệt thòi" - bà Ngọc nói.
Với sự nỗ lực của thành phố, các sở, ngành và chính quyền địa phương trong thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, các ảnh hưởng do hoạt động bãi rác Nam Sơn đến nay đã và đang được kiểm soát và giảm thiểu dần từng bước. Tuy nhiên, để xử lý tối đa tình trạng ô nhiễm chắc chắn phải cần thêm thời gian và sự đầu tư về công nghệ.