Tìm giải pháp khống chế nhập siêu
Kinh tế - Ngày đăng : 07:10, 22/05/2017
Ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, một trong những mặt hàng có giá trị nhập siêu lớn. |
Nhập siêu "trở lại"
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 4 tháng đầu năm đạt 61,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả khả quan, đáng ghi nhận bởi nó cao hơn hẳn so với mục tiêu đặt ra, thể hiện sự nỗ lực và vượt khó của nền kinh tế đất nước trong bối cảnh phải đối diện nhiều thách thức nội tại cũng như sự suy giảm của đời sống kinh tế thế giới. Thế nhưng bên cạnh đó, tình trạng nhập siêu đang trên đà gia tăng và có thể gây ra quan ngại, cần giải pháp khống chế trong những tháng còn lại của kế hoạch năm 2017.
Xét về bản chất, Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, gắn liền với đặc thù là phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu, vật tư và máy móc, thiết bị nhập khẩu. Trong đó, một số ngành thường xuyên nhập khẩu nguyên, phụ liệu đầu vào để sản xuất rồi quay lại xuất khẩu như dệt may, da giày, linh kiện lắp ráp sản phẩm điện tử, điện thoại... Nói cách khác, đó là phương thức gia công rồi tái xuất, có tính tất yếu đối với nhiều quốc gia đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế để tiến lên công nghiệp hóa.
Soi chiếu với thuộc tính nói trên, kim ngạch nhập khẩu của nhóm thiết bị, máy móc công nghiệp 4 tháng qua đạt 11,3 tỷ USD, tăng gần 39% so với cùng kỳ. Điều này thể hiện một thực tế là hoạt động sản xuất công nghiệp, nhất là nhằm phục vụ xuất khẩu đang “ấm dần” lên, do nhiều đơn vị tập trung gia tăng sản lượng dẫn đến nhu cầu có thêm các dây chuyền sản xuất. Mặt khác, thiết bị, máy móc mua về cũng là “của để dành” sử dụng trong tương lai và không thể mất đi nên hoàn toàn không đáng lo ngại. Các chuyên gia nhận xét, đó là sự nhập khẩu lành mạnh, an toàn.
Song, nếu xét về mặt chỉ tiêu kế hoạch thuần túy thì, giá trị nhập siêu năm nay phải được khống chế ở mức 3,5% của tổng kim ngạch xuất khẩu và như vậy mức nhập siêu 4,5% sau 4 tháng như hiện nay cho thấy tình hình đã đến ngưỡng cần theo dõi sát sao để quan tâm điều chỉnh.
Giải pháp nào để khống chế?
Trên thực tế, việc khống chế mức nhập siêu không hề đơn giản, bởi phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan, có tính quy luật. Bên cạnh đó, hoạt động nhập khẩu xăng dầu cũng sẽ liên tục để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tóm lại, hoạt động nhập khẩu sẽ vẫn tiếp tục, thậm chí có xu hướng tăng trong thời gian tới và có thể đẩy mức nhập siêu lên cao.
Như vậy, nếu muốn khống chế nhập siêu chỉ còn cách tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước thay vì nhập khẩu. Theo đó, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thực tế cho thấy, đây là giải pháp căn cơ được Chính phủ và Bộ Công Thương chỉ đạo và luôn mang lại tác động tích cực cho các doanh nghiệp vì nó giúp tiêu thụ sản phẩm trong nước. Cần khuyến khích sự hợp tác, tinh thần tự giác hỗ trợ lẫn nhau, mà chủ yếu thông qua việc sẵn sàng mua hàng hóa của nhau - như một ưu tiên hàng đầu, đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất, nhất là với các loại hàng tiêu dùng là cần thiết, bởi lẽ đến nay Việt Nam vẫn nhập khẩu một số hàng tiêu dùng xa xỉ như điện thoại, hàng điện tử cao cấp, quần áo, hóa mỹ phẩm...
Đồng thời, thúc đẩy sao cho kim ngạch xuất khẩu vượt lên, cao hơn hẳn (ít nhất là bằng) so với kim ngạch nhập khẩu. Đây cũng là phương cách để bảo đảm kết quả lý tưởng trong hoạt động thương mại, dựa trên sự cân bằng giữa xuất - nhập khẩu. Giới chuyên gia cũng khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp cần tìm hiểu, tận dụng các lợi thế, ưu đãi về thuế suất do một số hiệp định thương mại tự do mang lại để quảng bá hình ảnh, thuyết phục khách hàng nhập khẩu hàng hóa của mình. Đến nay hơn 50% số doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu hoặc trong quá trình đàm phán với nhiều dấu hiệu tích cực để có đơn hàng cho quý 3 đến cuối năm.
Bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động phát huy khả năng sáng tạo, duy trì xuất khẩu sang thị trường truyền thống bên cạnh việc tìm kiếm cơ hội mới. Đơn cử như Philippines đang công bố ý định nhập khẩu thêm 250 nghìn tấn gạo, như vậy doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng vào cuộc, tìm cách chào hàng, chủ động đàm phán để tiến tới ký hợp đồng và tiến tới xuất khẩu...
Có thể nhận định, mặc dù nền kinh tế chưa đi qua nửa đầu năm nhưng mức nhập siêu đã khá cao, đặt ra sự thách thức đối với công tác chỉ đạo, điều hành từ tầm vĩ mô cũng như sự cố gắng của từng doanh nghiệp.