Hành trình thắp sáng tương lai

Kinh tế - Ngày đăng : 14:06, 22/05/2017

Nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện chạy than, chạy khí vẫn là nguồn điện chủ lực trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và có thể những năm sau đó.

Đó là điều được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh nhân dịp Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam kỷ niệm 10 năm thành lập (17/5/2007 - 17/5/2017). Thực tế, trong chặng đường xây dựng và phát triển, tổng công ty đã và đang khẳng định thế mạnh, sự đầu tư đúng hướng cho phát triển của đất nước.

Ra đời trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế thế giới suy thoái và ảnh hưởng kéo dài cho đến năm 2012, đặc biệt là sự suy giảm của giá dầu thô thế giới từ nửa cuối năm 2014 đến nay, nhưng với sự nỗ lực, đoàn kết, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) đã từng bước khẳng định vị thế của mình. Theo ông Nguyễn Xuân Hòa, Tổng Giám đốc PV Power, sau 10 năm, tổng công suất nguồn của PV Power đang duy trì ổn định ở mức 4.208MW, tăng trưởng điện năng trong suốt những năm qua liên tục duy trì ở mức 9-10%. Quy mô tổng tài sản đạt gần 70.000 tỷ đồng, tăng 24.400 tỷ đồng so với thời điểm hình thành, nguồn vốn chủ sở hữu đạt trên 27.300 tỷ đồng. Từ khi thành lập đến nay, PV Power có tổng doanh thu đạt hơn 180.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 9.600 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 8.800 tỷ đồng.

Sau 10 năm hoạt động, PV Power đã đầu tư và vận hành 9 nhà máy điện lớn, giúp sản lượng điện thương mại tăng trưởng vượt bậc. Nếu như năm 2007, PV Power mới chỉ có Nhà máy Điện Cà Mau 1 phát điện thương mại với tổng công suất nguồn là 750MW và sản lượng điện thương mại đạt 651 triệu kWh thì 5 năm tiếp theo, tổng công ty đã đưa vào vận hành thêm 5 nhà máy điện, bao gồm: Cà Mau 2, Nhơn Trạch 1 và 2, Nậm Cắt, Phú Quý; nâng tổng công suất phát điện của PV Power lên 2.709,5MW. Trong giai đoạn này, sản lượng điện thương mại của PV Power đạt 53.955 triệu kWh. Từ giai đoạn 2013 - 2017, PV Power đầu tư và vận hành thêm 3 nhà máy điện, bao gồm: Nhà máy Thủy điện Hủa Na, Nhà máy Thủy điện Đakđrinh và Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.

Việc vận hành các nhà máy điện mới đã nâng công suất nguồn của PV Power lên 4.214,5MW... Trong 10 năm, PV Power đã vươn lên trở thành nhà cung cấp điện năng lớn thứ 2 của đất nước (sau Tập đoàn Điện lực Việt Nam), chiếm tỷ trọng khoảng 13% tổng sản lượng điện quốc gia.

Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập của PV Power, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, dự báo đến năm 2020, nhu cầu điện có thể gấp 1,5 lần hiện nay, trong khi đó thủy điện đã đến “ngưỡng”, không thể tiếp tục phát triển, điện hạt nhân đã dừng, nguồn năng lượng tái tạo hiện chưa thể triển khai trên quy mô lớn do chi phí quá cao thì nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện chạy than, chạy khí vẫn là nguồn điện chủ lực trong giai đoạn từ nay đến 2030 và có thể những năm sau đó. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng: "Để đáp ứng nhu cầu điện trong nước, PV Power cần đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hóa hiện đại hóa và bảo đảm an ninh năng lượng đất nước".

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, PV Power đã đặt ra lộ trình cho sự phát triển. Cụ thể, trong năm 2017, PV Power sẽ phải hoàn thành công tác cổ phần hóa doanh nghiệp với mục tiêu giảm phần vốn của Nhà nước xuống còn 51% và thu hút vốn các nhà đầu tư bên ngoài, đặc biệt là các cổ đông lớn có nguyện vọng song hành cùng PV Power. Nếu việc thoái vốn thành công, khoảng 49% thì dự kiến PV Power có thể thu về trên 700 triệu USD. Sau đó, đến khoảng năm 2019 - 2020 PV Power sẽ tiếp tục theo đúng lộ trình mà Chính phủ và Bộ Công Thương đề ra là thoái vốn xuống dưới mức độ chi phối.

Ông Nguyễn Xuân Hòa cho biết: "Đó là việc nhằm tăng cường hơn nữa mức độ xã hội hóa cũng như thu hút các nhà đầu tư có kinh nghiệm trong vận hành các nhà máy điện, thị trường điện. Đặc biệt là các đối tác có tiềm năng lớn về mặt tài chính để cùng xây dựng PV Power thành một đơn vị điện lớn mạnh”.

Phương Nhi