Giảm nhiệt “cơn sốt” nhà đất
Bất động sản - Ngày đăng : 07:21, 22/05/2017
Giá đất nền tại TP Hồ Chí Minh tăng mạnh trong thời gian qua. |
Thời gian gần đây, tại TP Hồ Chí Minh có hiện tượng “sốt giá ảo” trong phân khúc đất nền ở các quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ. Ghi nhận cho thấy, từ giữa năm 2016 đến nay, giá đất nền đã tăng trên dưới 30%, cá biệt có khu vực giá tăng đến trên dưới 70%. Hiện đất nền tại một số khu vực phân lô ở quận 9, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh đã lên đến trên dưới 20 triệu đồng/m²; giá đất nền tại thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) có nơi đã lên đến 10-12 triệu đồng/m². Đặc biệt, giá đất nông nghiệp một số khu vực ở huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi đã tăng đến trên dưới 50% từ đầu năm đến nay.
Theo giới phân tích, ngoài sự phát triển mạnh của cơ sở hạ tầng giao thông, cũng như thông tin chưa chính xác về việc đầu tư các dự án đô thị lớn, còn có nguyên nhân khác là quá trình thực hiện Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND (Quyết định 33) ngày 15-10-2014 của UBND TP Hồ Chí Minh, quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở tại nông thôn và đô thị trên địa bàn thành phố. Mục tiêu của quyết định này nhằm giúp những người có nhu cầu về nhà ở có cơ hội sở hữu mảnh đất vừa túi tiền để xây nhà. Tuy nhiên, quyết định không đưa ra các tiêu chí về hạ tầng hiện hữu tại khu vực khu đất cần tách thửa, không quy định quy mô khu đất buộc phải lập dự án, quy trình thủ tục tách thửa còn lỏng lẻo về pháp lý... Chính điều này đã bị nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng để mua đất nông nghiệp, chuyển mục đích sử dụng đất rồi tách thành từng thửa nhỏ để bán cũng như phân lô đất nền tràn lan làm phá vỡ quy hoạch, đẩy giá đất lên cao. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng chưa có định hướng dư luận kịp thời để xử lý hiệu quả những tin đồn không chính thống, truyền miệng như tin đồn về khả năng chuyển huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn thành quận; hoặc hình thành mô hình thành phố trong thành phố ở phía Đông, phía Tây, phía Nam TP Hồ Chí Minh.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, “cơn sốt” đất nền này rất nguy hiểm, đã và đang tác động tiêu cực, làm méo mó thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản. Vì vậy, cần phải có các giải pháp kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra vỡ “bong bóng” gây thiệt hại dây chuyền trên thị trường bất động sản, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng.
Để hạ nhiệt “cơn sốt” nhà đất, các cơ quan chức năng đã bắt đầu vào cuộc. Tại cuộc họp vào cuối tuần trước, UBND TP Hồ Chí Minh đã chính thức bác bỏ thông tin huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh thành quận; đồng thời khẳng định chưa xem xét việc sáp nhập hay chia tách các quận. Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ bàn bạc, thảo luận với các cơ quan có liên quan để hoàn thiện trước khi ban hành Quyết định 33 sửa đổi, bổ sung hoặc ra quyết định mới thay thế. Nhằm ngăn chặn tình trạng tách thửa đất có diện tích lớn ra thành nhiều thửa đất có diện tích nhỏ để bán, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, qua làm việc với UBND các quận, huyện, phần lớn đều ủng hộ quy định thửa đất có diện tích 2.000m² trở lên muốn tách thửa phải lập dự án. Do đó, đây sẽ là một trong những nội dung quan trọng trong sửa đổi Quyết định 33.
Để thị trường nhà đất hoạt động ổn định, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu cơ chế, chính sách để quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của giới đầu nậu, “cò” đất hiện đang hoạt động với tư cách cá nhân không có đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014 thì hoạt động mua bán đất nền cũng là hoạt động kinh doanh bất động sản, phải có đăng ký kinh doanh và vốn pháp định.